James cho phép tôi xem lướt qua quyển nhật ký tại một quán cà phê
Starbucks trên đại lộ Jamaica. Nó có cỡ chừng 13 X 18cm, kích cỡ hoàn
hảo để đút nhanh vào ngăn kéo bàn sau khi ghi đôi dòng trong ngày và đủ
nhỏ để nhét vào dải thắt lưng bộ đồng phục để đưa lén ra ngoài Dinh. Giấy
cạc tông ố vàng do thời gian tạo thành bìa trước và bìa sau, được buộc lại
bởi một băng vải mà mỗi lần lật sang trang mới liền như muốn rứt khỏi gáy
sách. Nét chữ thảo nghiêng sang phải choán đầy ba trăm trang giấy bằng
thứ mực viết máy màu nâu, mực bút bi xanh, và đôi chỗ là bút chì. Một vài
mục trông như đã được viết bằng bút chì sáp đỏ, loại mà mẹ tôi dùng để
đánh dấu đồ khâu vá của bà. Nhưng tất cả đều hoàn toàn khớp với nét chữ
viết tay của bà Nhu. Để cho chắc, tôi đã kiểm tra chéo những thời điểm, nơi
chốn nhất định mà tôi biết bà đã ở đó, những sự việc và những người mà tôi
biết bà đã gặp. Ông Nhu, ông Diệm, và các con là những nhân vật chính
trong câu chuyện của bà Nhu kể từ tháng Giêng năm 1959 cho đến mục
cuối cùng vào tháng Sáu năm 1963. Quyển nhật ký này của bà, tôi chắc
chắn.
Quyển nhật ký này ắt hẳn là nơi bà Nhu trút nỗi lòng mà không phải đối
mặt với sự chỉ trích hoặc áp lực sống theo những kỳ vọng. Bà ắt hẳn đã ở
vào thời kỳ đẹp nhất đời mình khi bà khởi sự quyển nhật ký như một Đệ
nhất Phu nhân. Là người mẹ trẻ quyến rũ và xinh đẹp của ba đứa con, bà
tìm thấy sự thoải mái trong hầu hết những sự việc thường nhật. Bà Nhu yêu
những bộ phim Hollywood và tiểu thuyết Nga. Bà thích đi nghỉ lễ với các
con ở miền biển và miền núi. Bà sợ bị già nua; bà sợ cuộc đời trôi qua lạnh
lùng. Và trong những trang viết nguệch ngoạc, bà để lộ nỗi bất hạnh của
cuộc sống làm vợ ông Nhu. Bà Nhu miêu tả chi tiết cuộc tranh cãi giữa họ
khi bà đối chất với ông Nhu về tội ngoại tình của ông. Bà nổi xung thiên
với ông, không vì tội ngoại tình cho bằng việc đã làm điều đó với một kẻ
"thô tục" và "hèn hạ" đến như vậy. Bà Nhu không bao giờ viết tên cô gái
trong quyển nhật ký, chỉ để cập đến cô bằng từ "kẻ đó".