Cũng cái sự khăng khăng ương ngạnh cho mình luôn luôn đúng đã
khiến bà Nhu và gia đình bà chịu nhiều rắc rối vào năm 1963 hơn là nhờ đó
mà thoát khỏi rắc rối. Rắc rối với các Phật tử bắt đầu ở Huế, với người anh
cả của năm anh em họ Ngô đang sống, Ngô Đình Thục.
Không thể nào nhầm lẫn nhân dạng của người đàn ông trong bộ áo nhà
tu trên chiếc xe hơi chạy về hướng ngoại ô Huế một sáng tháng Năm. Ngũ
quan trên mặt ông trông nặng nề hơn các em ông ở Sài Gòn, rất khác với vẻ
mặt thanh thoát dễ nhìn của ông Nhu, và cử chỉ của ông thì điềm đạm và tự
tin. 1
Ngô Đình Thục, Tổng Giám mục địa phận Huế, đang được xe đưa về lại
thành phố sau chuyến thăm nhà thờ La Vang vào sáng ngày 7 tháng Năm
năm 1963. Sáu tháng trước, đích thân Đức giáo hoàng nâng cấp nhà thờ La
Vang từ Tiểu Vương cung Thánh đường thành Vương cung Thánh đường.
Trên thực tế, không có nhiều thay đổi ngoại trừ việc lắp đặt một cái
conopaeum, cái dù lụa hai màu vàng đỏ để che cho Đức thánh cha nếu ngài
đến đây. Nhưng đồ án La Vang đó có ý nghĩa đặc biệt đối với Ngô Đình
Thục, bởi vì ông đã góp phần biến một mảnh cằn cỗi thành như bây giờ:
một địa chỉ hành hương, một trung tâm để sùng kính Mẹ Maria Đồng trinh,
và một "lý do" tài chính. Ngô Đình Thục giám sát việc xây dựng Quảng
trường Chuỗi Mân Côi, nạo vét Hồ Tịnh Tâm, và việc dựng ba cây đa bằng
bê tông để tượng trưng cho Chúa ba ngôi. Các quan chức chính phủ, từ Phó
Tổng thống trở xuống, đều đóng góp tiền bạc dù họ không phải người Công
giáo, vì việc làm đó giúp họ được ông Diệm và ông em Nhu chiếu cố.
Nhưng hầu hết người Việt Nam không theo Công giáo. Họ là Phật tử, chí ít
là pha trộn. Tôn giáo phổ biến nhất ở Việt Nam vẫn là sự pha trộn của Phật
giáo, Khổng giáo, và Đạo giáo, cộng với một số hình thức thờ phụng tổ
tiên. Đa số gia đình đều có một bàn thờ ở trong nhà, cũng như các tiệm
buôn bán của người Việt có bàn thờ thần tài. Bà Nhu lớn lên trong một gia
đình vừa theo đạo Phật vừa theo đạo Khổng. Mùi nhang nhắc bà nhớ đến
bàn thờ gia đình ở Hà Nội, mà cứ vào ngày trăng non (ngày đầu tháng âm