trải cuộc sống phố thị ở Hà Nội, với tất cả những thú vui Tây phương, sự
tĩnh lặng của miền thôn dã và những nghĩa vụ truyền thống mà bà đảm
đương hẳn có vẻ đơn điệu lỗi thời. Bà Chương đã bỏ lại sau lưng thời cơ dự
phần vào những vận hội mới mở ra cho nữ giới trong một xã hội quốc tế.
Vợ của một người đàn ông hiện đại ở thành thị, ngoài việc quán xuyến nhà
cửa và coi sóc việc giáo dưỡng con cái, có thể đứng bên cạnh chồng trong
giao tế xã hội. Đây có vẻ là điều kỳ lạ khó thể có được đối với một thiếu nữ
sống đời một người vợ và người mẹ Việt Nam truyền thống, như những
phụ nữ hàng bao thế kỷ trước bà.
Phải chăng bà đã dám hy vọng một điều gì khác cho những cô con gái
của mình? Nhận định về những cơ hội giáo dục mà bà áp đặt lên các con
gái, câu trả lời có vẻ là bằng lòng. Tuy vậy, vào những lúc mà sự giáo dục
của chúng xung đột với hệ thống tôn ti gia đình, nhiều thế kỷ truyễn thống
đã thắng thế. Nguyên tắc cơ bản về hành xử đúng mực, lối sống truyền
thống đòi hỏi lòng trung thành với gia đình và với một nền văn hóa cổ xưa.
Phụ nữ có bổn phận thuận theo tam tòng, trước hết phục tùng cha, kế đến là
chồng, và sau là con trai. Người phụ nữ cũng được khuyến khích thể hiện
bốn phẩm hạnh: quản lý việc thu chi trong gia đình, đoan trang tao nhã, lời
lẽ êm ái, và hành vi đoan chính. Những lý tưởng về bổn phận tề gia nội trợ
của phụ nữ đã được phát biểu rõ ràng trong những văn phẩm tiếng Việt
kinh điển, trong những sổ tay "giáo dục gia đình bằng thơ". Được viết để
đọc to theo nhịp trầm bổng cho dễ nhớ, chúng phát biểu những kỳ vọng về
công việc quản lý gia đình và phẩm hạnh trong sạch.
Đừng trò chuyện với đàn ông không họ hàng quen biết;
Đừng mở lời chào hỏi, để đừng gợi nghi ngờ.
Đừng qua lại giao du với đàn bà thất tiết;
Đừng vô duyên vô cớ thay áo quần;