Việt ở Hà Nội thêm căng thẳng. Những nông dân rời bỏ miền quê lên thành
phố tìm kiếm cơ hội để rồi chẳng được gì. Những cống rãnh lộ thiên và
những khu nhà ổ chuột mở rộng ra ngoại vi thành phố. Bạo lực tràn ngập
giữa những kẻ bất mãn.
Bé Lệ Xuân tám tuổi đã có một trải nghiệm khác về sự bất công thời
thực dân. Cô học một ngôi trường Pháp cùng với trẻ em Pháp và nói tiếng
Pháp với cha mẹ ở nhà. Ông bà Chương và số ít người Việt có điều kiện
như họ đã tham gia vào những trò tiêu khiển Tây phương, như môn tennis
và thậm chí yoyo. Phụ nữ bắt chước mốt thời trang Paris; những áo cánh cổ
thuyền mời gọi một cái liếc trộm vào làn da mềm mại bên dưới xương đòn,
và khuôn phép lịch sự đã không còn đòi hỏi phụ nữ phải nai nịt ngực quá
chặt. Phấn hồng, son môi, và nước hoa trở thành mốt thịnh hành. Cuộc
sống xa hoa là một bàn tiệc thịnh soạn chảy tràn sâm banh Pháp và nhạc
swing rộn rã.
Lệ Xuân muốn hòa hợp với môi trường mới mẻ xung quanh mình,
nhưng bằng cách nào? Người bạn thân thiết nhất từ thời thơ ấu của Lệ
Xuân cũng là một kẻ ngoài cuộc lạc lõng, một cô gái người Nhật. Nỗi bất
hạnh chung của họ đã tạo nên một mối quan hệ lâu bền, và họ vẫn còn giữ
liên lạc với nhau suốt đời. Hầu hết những người Việt khác mà Lệ Xuân
thường nhìn thấy thuộc vào số hai mươi người làm công trong gia đình, bao
gồm đầu bếp, tài xế, bảo mẫu, và người làm vườn. Cô gái nhỏ hiểu biết lịch
sử Pháp khá tường tận để biết rằng con đường nhà cô, một trục lộ chính
chạy từ đông sang tây xuyên qua thành phố, được đặt tên theo Leon
Gambetta, một chính khách Pháp thế kỷ mười chín tin rằng thanh thế của
nước Pháp trên thế giới xoay quanh chủ nghĩa thực dân hung hăng - trong
việc đi xâm lược các dân tộc và đất đai. Người Pháp có mặt ở Việt Nam từ
thập niên 1860, và bảy thập niên hiện diện của Âu châu trên mảnh đất này
chẳng là gì so với lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc của Việt Nam; dù thế
nào đi nữa, sự bất công thời thực dân đối với bé Lệ Xuân là một thực tế của
cuộc sống.