Giờ đây khi gia đình đã trở lại Hà Nội và bọn trẻ bận bịu với trường lớp,
người phụ nữ của gia đình, bà Chương, có thể tận hưởng chút ít tự do.
Thoát khỏi miền thôn quê truyền thống, áp lực sinh con đẻ cái, và sự can
thiệp của mẹ chồng, bà Chương có thể khám phá ý nghĩa của việc là một
người phụ nữ Việt trong một kỷ nguyên của sự thể nghiệm và thậm chí
buông thả. Là điều không thể tưởng nghĩ chỉ một thế hệ trước, phụ nữ Việt
giờ đầy có thể đứng cùng chồng ở những nơi công cộng như nhà hàng và
vũ trường.
Không phải bó chặt bộ ngực sau tấm áo chùng, bà Chương đã có thể
trưng diện sắc vóc của mình. Bà có thể mặc những bộ quần áo đặt may,
chạy theo những mốt mới nhất, như áo váy có viền ren. Cửa hàng bách hóa
Godard ở góc phố Paul Bert bán bít tất lụa, mũ, và kẹp tóc. Sự thiên vị của
người Pháp với gia đình ông Chương mang lại cho họ phương tiện kinh tế
để theo đuổi tất cả những thú vui Âu châu ở Hà Nội. Một chiếc Mercedes
có tài xế riêng đưa họ đi xung quanh thành phố; họ ăn trong những nhà
hàng Trung Hoa trang nhã nhất thành phố và xem những bộ phim Mỹ và
Pháp ở rạp xi nê. Rạp Palace hiện đại và đắt đỏ nhất trong số bảy rạp chiếu
bóng ở Hà Nội, nhưng ngay cả người Việt nghèo nhất ở thành thị vẫn có
thể xem phim. Có một rạp Trung Hoa bên kia thành phố, nơi mọi người
ngồi xổm cùng nhau trên những thanh gỗ, vươn cổ ngoẹo đầu để nhìn rõ
màn ảnh. Có một loại vé thậm chí rẻ hơn nữa dành cho những ai sẵn lòng
đứng ở phía ngược màn hình và xem những hình ảnh lập lòe từ sau ra
trước. 8
Vào những chiều thứ Ba, bà Chương mở tiệc chiêu đãi ở nhà. Khách là
người Việt và người Pháp - và sau năm 1939 là người Nhật. Đàn ông và
đàn bà thoải mái trộn lẫn vào nhau sau những tuần bánh và rượu cốc tai
trong phòng khách. Tất cả những nhân vật quan trọng, hoặc một ngày nào
đó sẽ quan trọng, đều tham dự.