Năm 1942, phiếu lương thực đã được cấp cho những người Ấu châu để
cung cấp gạo, muối, đường, dầu ăn, xà phòng, diêm, thuốc lá "tốt", và
nhiên liệu cho họ. Người Pháp vẫn được thiên vị với những thứ như thịt và
sữa đặc, họ được ưu tiên cung cấp trước nhất. Tất cả những điều này được
biện hộ trong tư duy thời thực dân bởi quan niệm rằng người An Nam đã
quen với chế độ ăn uống đơn điệu, trong khi người Âu châu sẽ ngã bệnh
với khẩu phần ăn kém đa dạng.
Mặc dù gia đình ông Chương thật ra không phải chịu khổ, họ đã bị tước
đi những thứ hàng hóa xa xỉ mà họ đã quen dùng. Nhưng nhà ông Chương
là bậc thầy về những thủ đoạn chính trị và họ xoay xở khá tốt - ít ra trong
một thời gian. Sự thâm nhập của người Nhật vào chế độ trên danh nghĩa
của Pháp đã tạo nên một tình trạng chính trị khá rối ren. Ai là kẻ đang nắm
quyền, người phương Tây hay người châu Á? Ai sẽ cảm thông hơn với
những nguyện vọng dân tộc chủ nghĩa của người Việt? Gia đình ông
Chương cố gắng vun đắp những tình bạn quan trọng với cả hai phía, nhưng
rốt cuộc họ đã chọn chia sẻ số phận với người Nhật dưới ngọn cờ "Tình
huynh đệ da vàng". Người Nhật khuyến khích người Việt Nam tự coi mình
như một phần của Khối thịnh vượng chung Á châu - được lãnh đạo bởi
Nhật Bản, tất nhiên. Ít ra người Nhật không quả quyết sự ưu việt dựa trên
màu da của họ.
Mẹ của Lệ Xuân đã đăng ký những khóa học tiếng Nhật, và tình yêu của
bà với Yokoyama, phái viên của hoàng đế xứ mặt trời mọc ở Hà Nội, đã
sớm được tưởng thưởng. Năm 1945, tình nhân Yokoyama của bà được bổ
nhiệm làm công sứ An Nam, và Trần Văn Chương, chồng bà, được để bạt
vào nội các chính phủ bù nhìn của Nhật Bản.
Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu kết hôn trong tuần đầu tiên của tháng Năm,
1943 tại thánh đường Saint Joseph ở Hà Nội, hay như cách gọi của dân Hà
Nội, Nhà Thờ Lớn. Đó là lần thứ hai Lệ Xuân đặt chân vào giáo đường
mang phong cách tân gô-tích cao chót vót này. Lần đầu là vào ngày trước