thật sự cho Pháp lẫn Việt Minh. Ông đang gây dựng một mạng lưới những
người ủng hộ cho anh trai mình là ông Diệm.
"Tôi cô đơn trong hầu hết thời gian", bà Nhu viết về cuộc hôn nhân của
bà trong suốt giai đoạn đó. Trong khi ông Nhu đang xây dựng nền tảng
chính trị của mình, vợ ông không hề biết ông ở đâu. "Chồng tôi đơn giản là
biến mất mà không nói một lời". Bà Nhu có thể không biết chính xác chồng
bà đang ở đâu, nhưng bà có một ý niệm đại thể về những gì ông đang làm.
Địa điểm trăng mật không thể che đậy thực tế rằng cuộc hôn nhân của họ
đã trở thành một cái gì đầy toan tính thực dụng và không có mấy thời gian
còn lại dành cho tình yêu.
Bà Nhu không hoàn toàn cô độc khi chồng bà vắng bóng vì những sứ
mạng bí mật của mình. Bà có người anh họ ở Đà Lạt, Hoàng đế Bảo Đại,
một người bầu bạn dễ chịu. Về mặt ngữ nghĩa ông là em họ của mẹ bà và
không còn là hoàng đế nữa. Dù sao đi nữa Bảo Đại chưa bao giờ thật sự cai
trị. Dưới chế độ thực dân Pháp, quyền vị của ông hầu như luôn luôn chỉ là
một biểu tượng. Bảo Đại đã lên ngôi năm 1925, khi ông mười hai tuổi. Từ
trường học ở Pháp ông đã vội vã trở về nhà để dự đám tang cha, vua Khải
Định, để rồi sau đó quay về Pháp. Chiếc ngai vàng đã để trống trong bảy
năm tiếp theo, trong suốt thời gian đó quan khâm sứ Pháp nắm quyền hành
hoàn toàn. Đến thời điểm Bảo Đại trở lại Việt Nam năm 1932, ông đã được
sửa soạn thành một thanh niên Pháp hoàn hảo, hoàn toàn vui lòng làm
những gì mà chính quyền thực dân sai bảo.
Bảo Đại đã sống cuộc đời của một kẻ vô tư lự được nuông chiều. Ông
đã kết hôn, nhưng điều đó không ngăn cản ông theo đuổi cuộc sống ăn
chơi. Săn bắn và đeo đuổi những phụ nữ trẻ là hai niềm đam mê của ông.
Những hành động của ông trong Thế chiến thứ hai và hậu quả của chúng đã
hủy hoại mọi danh tiếng mà Bảo Đại có thể đã bám víu vào như một lãnh tụ
xuyên suốt những năm dưới chế độ thực dân. Trước tiên ông đã đầu hàng
người Nhật; sau đó ông trao vương miện cho những người Cộng sản trước