có thể vì cô là người Bắc. Nhưng cô vẫn dừng lại hỏi anh bảo vệ xem có ai
đến tìm cô đêm qua không. Không, nhưng đêm qua trời nóng quá có một
trận mưa rất to rơi hết xuống biển, Sài Gòn chẳng được hột nào. Khách sạn
xin lỗi khách vì nóng. Cô nghĩ cô có thể đi bộ, để suy nghĩ. Nắng Sài Gòn
nắng từ sáu giờ sáng. Đến bẩy giờ thì đường phố đầy người và xe cộ.
Không như mưa Sài Gòn, nắng Sài Gòn hiếm hoi mới được thơ và nhạc
thính phòng Sài Gòn chiếu cố đến. Mưa không phải lúc nào cũng đủ sức để
vượt biển xa còn nắng thì thừa thãi mười hai tiếng một ngày. Nắng thừa
mưa thiếu là vậy. Người Sài Gòn mỗi năm cố gắng một lần leo xe đò lên
Đà Lạt nổi tiếng nhiều mưa để đi bộ dưới mưa trong hồ Than Thở, chứ nhất
định không chịu ra tận Hà Nội để xem mưa phùn. Người Sài Gòn dù sao
cũng đi bộ nhiều hơn người Hà Nội. Mười phút đi bộ từ khách sạn qua hai
lần rẽ phải thể nào cũng đến đường Đồng Khởi không chịu mất gì sau hai
mươi lăm năm Nam Bắc một nhà, cái mất lớn nhất nhưng không nhìn thấy
lại là cái tên Tự Do không hiểu vì sao không vừa lòng thủ đô Hà Nội. Đồng
Khởi nhộn nhịp nhất Sài Gòn. Đồng Khởi giờ không đủ giống Đông Dương
cũng không đủ tinh thần Pháp thuộc để làm hài lòng người Pháp, nhưng
toàn bộ hai bên vỉa hè và các tầng trệt lại chan chứa tính Việt, chan chứa
thổ cẩm, đồ gốm, khảm trai, sơn mài, chan chứa các triển lãm hội họa
đương đại, triển lãm nào cũng có bày thêm ít nhất là năm lọ hoa cắm đủ các
loại hoa, mỗi góc phòng một lọ là bốn, giữa phòng một lọ nữa là năm.
Phượng áo vàng hoa đỏ là phụ nữ Việt đi bộ duy nhất không mặc áo dài
hoặc mini trên đường Đồng Khởi. Một lần qua đường để tránh nắng cô bị
luôn một thanh niên áo ngắn tay giữ lại mời vào xem triển lãm. Trong mọi
trường hợp, người Sài Gòn vẫn giữ được các phép lịch sự. Khi biết Phượng
không phải du lịch Đại Hàn hay Việt Kiều yêu nước, anh ta chẳng chửi thề
câu nào khiến Phượng tự nhiên thấy từ chối anh ta là một cư sử vô cùng
khiếm nhã. Sau này có dịp nhớ lại Sài Gòn, cô hiểu rằng chính chiếc áo
vàng hoa đỏ may mắn đã dẫn cô vào triển lãm hội họa. Cô còn kịp nhìn
thấy một bảng quảng cáo rất to ở cửa: TRIểN LãM CủA NăM HọA Sĩ
RồNG. Một cô gái áo dài đỏ tóc dài ra đón tự giới thiệu là giám đốc gao lơ
ry (phát âm giống người Mỹ) và nhiệt tình giới thiệu. Hoá ra là năm hoạ sĩ