cô đòi xem lại bức tranh quả tim vì được treo gần cửa ra vào hơn cả. Giá
tranh là năm nghìn đô la, bằng mười năm tiền lương Tâm sự bạn gái. Khi
cô gái tóc dài bảo có tranh khác giá rẻ hơn, chỉ năm mươi đô thôi thì
Phượng bất đắc dĩ phải tự nhận là phóng viên. Cô gái không giấu nổi thất
vọng, hai phút sau mới nói nhỏ đã có mười một bài báo rồi mà toàn các báo
lớn như Thể thao Văn hóa, Công an Sài Gòn, An ninh Thủ đô, Tiền phong,
Thanh niên, Tuổi trẻ, có viết thêm cũng không sao nhưng phải hỏi các hoạ
sĩ để tránh viết nhầm, hội hoạ khó lắm chứ không dễ như âm nhạc. Phượng
được mời đến dự hội thảo chuyên đề nghệ thuật đương đại tại chính phòng
triển lãm này, vào lúc bốn giờ chiều, để gặp các tác giả. Ba mươi mốt phút
sau, khi đã ngồi vào đúng chiếc ghế tối qua ở đúng quán cà phê của tối hôm
qua, khi đã uống một cốc nước đá, ăn một miếng bánh ngọt cho đỡ buồn
nôn vì đói, khi Lê Dung chuyển từ mưa Dương Thụ sang mưa Phú Quang
thì Phượng mới bình tĩnh đọc danh thiếp của cô gái tóc dài. Một mặt giấy
đỏ in chữ vàng SAIGON Gallery CONG TANG TON NU DIEM XUA
Art director. Mặt sau giấy vàng in chữ đỏ Galerie SAIGON CONG TANG
TON NU DIEM XUA Directeur artistique. Phượng định bụng sẽ cho in ở
Hà Nội mẫu danh thiếp của cô theo phong cách Diễm Xưa mà cô thấy độc
đáo quá. Cô cũng định bụng trước khi rời Sài Gòn sẽ đi mua băng nhạc,
băng nào cũng được miễn là có bài Diễm Xưa. Cô cũng muốn xin gặp nhạc
sĩ để viết một bài báo xung quanh một trong những thành công mang tính
nhân khẩu học của ông là đã tạo ra được ít nhất vài thế hệ phụ nữ Việt tên
Diễm, để kể với ông về cái tên của cô giám đốc phòng triển lãm tranh
đường Đồng Khởi. Dân Việt Nam ai mà không yêu nhạc sĩ họ Trịnh, ai mà
không thuộc Diễm Xưa, nhưng yêu đến mấy cũng chỉ dám lấy một chữ
Diễm làm tên cho con chứ chưa thấy ai dám mang nguyên cả tên bài hát đặt
ngay sau họ của mình, nhất là một cái họ cung đình như thế này, nhất là từ
Xưa khi được người Nam sử dụng riêng lẻ lại mang ý nghĩa tiêu cực. Tóm
lại cái tên Công Tằng Tôn Nữ Diễm Xưa, theo Phượng là cả một lựa chọn
dũng cảm, hy sinh rồi cô tự hỏi có tình yêu nào mà không cần dũng cảm
với hy sinh. Sau đó Phượng đi đến khám phá thứ tư trong chuyến đi Sài
Gòn này là các bậc cha mẹ từ vĩ tuyến mười bẩy trở xuống coi trọng việc