Phượng sau đó cũng học được ở chồng một vài thói quen châu Âu. Cả hai
vợ chồng có thời gian nhìn ai cũng chê nhà quê mặc com lê không cà vạt,
đi đâu cũng đòi được cởi giầy cho mát đôi tất. Một lần Bình bảo vợ bên
châu Âu trời lạnh nên người ta ở nhà nhiều, ở nhà thì không gặp được ai để
mà bắt chước, nên tính cách cá nhân phát triển lắm. Phượng cũng thú thật
với anh cô cũng có cá tính mạnh, nhất là khi cô không bao giờ đi giầy có
tất. Bình bảo thế cũng chưa nhà quê bằng đi tất có lỗ có mùi, rồi quay sang
đánh những dấu đỏ vào cuốn quảng cáo thời trang. Giá sách của hai người
trước khi Bình đi châu Âu thì chỉ chứa toàn sách châu á: năm cuốn lý luận
văn học Việt Nam, năm cuốn Tam Quốc Chí của Trung Quốc, một cuốn thơ
Ta-go của ấn Độ, ba cuốn tuyển tập thơ văn các dân tộc ít người ở Việt
Nam, để nhớ lại thời cô viết luận án tốt nghiệp đại học tổng hợp Văn.
Những chỗ trống thì bày thêm búp bê cho kín. Một năm sau, búp bê được
gỡ ra cho thằng Kiên để lấy chỗ bày tạp chí thời trang. Đến tuần thứ hai
năm 2000 thì toàn bộ giá sách là thư viện thời trang đến từ những chuyến
công tác châu Âu của Bình, chủ yếu được anh tìm thấy ở sân bay, trong
máy bay và trên lối vào siêu thị. Mười ba cuốn sách châu á được Phượng
đem hết đến Tâm Sự Bạn Gái để thỉnh thoảng có viết thư trả lời thì mở ra
chép lại cho tiện. Thú vui nhất của Bình là buổi tối sau bữa cơm được ngả
người trên đi văng, giở từng trang họa báo ngắm những bộ quần áo hết
đông lại á, hết hè lại Âu, mà thốt lên: giời ơi mặc thế mới hãnh diện, màu
thế mới tự trọng, dáng thế mới tự ái. Một tối hai mươi tháng chạp hai năm
trước, lên đến giường ngủ Bình còn nói với vợ: mấy lão thợ may phố Khâm
Thiên may di-lê thành sơ-mi không tay, măng-tô thành bu-dông quá gối,
thấy khách cứ khinh khỉnh, mới hai mươi Tết đã khóa sổ, may hỏng còn
chê vải không đúng yêu cầu, dáng anh không hợp, nói chung thời trang
mình còn kém lắm, chắc phải đến năm 2000 mới bằng thiên hạ. Càng ngày
Bình càng yêu khu tập thể vì cả khu khen anh mặc quần áo đẹp. ở bộ Nông
Nghiệp thì anh lại không cảm thấy hạnh phúc lắm, vì chẳng thấy ai nói gì.
Có cô bán hàng quần áo may sẵn phố Chả Cá lần nào gặp anh cũng bảo:
nhìn cách ăn mặc của anh em biết ngay không phải người ở đây. Lần nào
Bình cũng cảm động quên mặc cả, lần nào cô gái cũng bán được hai chiếc