áo liền một lúc rồi lần nào cũng tưởng anh đến cửa hàng của cô lần đầu
tiên. Ba năm sau lần mua đôi giầy Sài Gòn xuất khẩu bị nhập khẩu trở lại
phố Hàng Bông rồi lại được xuất khẩu lại một lần nữa sang châu Âu, lần
này thì vĩnh viễn bị bỏ rơi trong một xó tận cùng dưới gậm giường của
phòng khách sạn nơi Bình đã ngủ suốt hai tuần lễ, Bình cũng biết người Hà
Nội chính gốc phải mua giầy ở đâu, dĩ nhiên không phải ở phố Hàng Bông
cũng không phải ở phố Hàng Giầy. Bình quen cả hai mươi cửa hàng giầy
trên cả hai vỉa hè phố Lò Sũ. Cả hai mươi cửa hàng giầy cứ nhìn thấy anh
phóng xe máy qua là thông báo có giầy châu Âu cỡ bốn mươi ba mới về.
Cho đến ba năm sau, anh vẫn giữ nguyên ý kiến phải chọn giầy lớn hơn
bốn số để có thể lịch sự được quanh năm, nhất là ở một thành phố nóng như
Hà Nội. Sáng mồng bảy tết, khi ở nhà bố mẹ Phượng ra, anh bảo cô: bố mẹ
đi Đức cũng được vì năm nay là năm 2000 nhưng quần áo Đức không nổi
tiếng bằng Pháp. Anh nhiều tuổi hơn em, anh sẽ già nhanh hơn, anh cần
nhiều quần áo hơn. Phượng nói đáng nhẽ anh phải cầm tuổi con công thì lại
cầm tuổi con cua, làm Bình chẳng hiểu gì cả. Ngày mồng bảy tết đường
làng bẩn thỉu mà vẫn đông người đi chơi, toàn người trong làng nhưng
chẳng ai chào cô, chỉ nhìn cô chăm chú. Con trai nhà quê không có thói
quen đứng lại hỏi các cô gái đi một mình ngoài đường rằng cô đi đâu đấy,
để cô được nói một lần nữa: xin lỗi, tôi đang bận, tôi đang rất bận. Cô nghĩ
chắc phải có ít nhất là năm cô gái làng này đã có ý định viết thư gửi Tâm
Sự Bạn Gái, cô sẽ trả lời cả năm đừng có lấy chồng, đừng có ngủ trưa vào
lúc mười hai giờ trưa, như cả gia đình bố mẹ chồng cô. Chủ nhật mồng bảy
tết, cô đến nhà bố mẹ Bình lúc mười hai giờ năm phút, cả nhà đã im ắng,
xuống nhà ngang thì có năm tiếng ngáy, tiếng con cua ngáy nữa là sáu.
Chẳng thấy một đứa trẻ con nào. Cô đành quay lên nhà trên rồi ngả lưng
trên võng, định lấy bút chì đen kẻ lại lông mày thì lại mơ thấy cô đang theo
chồng về ra mắt bố mẹ chồng, vừa vào đến cổng cô đã đòi về Hà Nội vì bị
năm con muỗi lao đến cắn. Bình đưa cô ra giếng nước, mới múc đã được
một xô đầy, nhưng cô vẫn thích cái vòi nước chung của mười bảy gia đình
ở vi la cổ lúc nào cũng ý tứ chảy từng giọt một. Mẹ Bình dù sao cũng là
người Hà Nội theo bố Bình về nhà quê nên không để lộ một cử chỉ thô lậu