có mỗi một cửa hàng bán tranh liều mạng xông vào được nửa năm nay lại
phải ra đi nhượng ga lơ ri cho một cửa hàng bán cả bốn thứ thịt quay. Anh
bảo người Hà Nội bây giờ ai cũng biết lên phố Hàng Vải để mua gỗ còn lên
phố Cầu Gỗ để mua vải, lên phố Hàng Mành để ăn mắm còn lên phố Hàng
Mắm để mua mành. Cô nghĩ qui luật thủ đô rắc rối thế này, năm năm đại
học không thuộc hết tên phố Hà Nội. Xe xích lô đang đi đột ngột dừng lại,
ép sát một góc vỉa hè sáng trưng năm mươi cô gái may-ô đỏ, quần đùi đỏ,
guốc đỏ, cốc chè trong tay cũng màu đỏ. Vừa thấy cô, năm mươi đôi môi
đỏ chúm chím: em ơi vứt cái xi líp si đa phố Hàng Bông Thợ Nhuộm đi,
muốn thi mít 2000 thì phải có xi líp xịn. Cô đính chính xi líp của cô xi líp
made in France nhưng chẳng ai buồn nghe. Cô lại nói tiếp cô đang học năm
thứ nhất đại học Hà Nội, thẻ sinh viên đây, thẻ đoàn viên đây. Cũng chẳng
ai buồn nhìn. Năm mươi bàn tay bôi móng đỏ uể oải quấy chè. Cô cũng gọi
hai ly. Cô cùng anh xích lô ngồi cạnh một cái bàn sơn đỏ. Sau đó cô chẳng
nhớ gì nữa. Trong đầu truyền hình trực tiếp cuộc thi hoa hậu báo Phụ Nữ.
Chiếc xi-líp đỏ riềm đăng ten trắng theo cô ra trước hàng ngàn khán giả.
Sân khấu rực rỡ. Nhạc sống. Hoa tươi. Đèn màu. Ban giáo khảo đưa ra
bảng điểm. Hội trường nín thở. MC đọc tên, số báo danh, địa chỉ. Các á hậu
kêu thất thanh. Tên cô vang lên cuối cùng. Tai cô ù đi. Tiếng vỗ tay như
sấm. Cô không kịp kiểm tra cả tên trường, tên lớp. Hình như quê quán Kim
Thi Hải Hưng thì thành Quyết Thắng Hà Sơn Bình. Không biết Quyết
Thắng là làng nào mà cả nước bị ám ảnh. Cô run rẩy, nước mắt lã chã rơi
xuống bó hồng đỏ cầm ở tay. Một vài giọt còn lăn cả vào chiếc xi líp đỏ
nhiều ý nghĩa. Mẹ cô chắc cũng xem vô tuyến nhờ nhà hàng xóm để đỏ mặt
xúc động khi cô trả lời ban giám khảo: người em yêu nhất trên đời là bố mẹ
em. Anh cũng không bỏ qua cuộc thi hoa hậu, anh bảo xem để biết thời
trang nước mình đi được đến đâu. Nhưng cô biết là anh không giận câu trả
lời của cô, anh thừa hiểu đấy là chiếc vỏ đạo đức, chiếc vỏ cô buộc phải giữ
lấy để trở thành thiếu nữ đẹp nhất Hà Nội năm 2000. Anh xích lô lên tiếng
hỏi: em có biết nguồn gốc của chè thập cẩm không. Cô vẫn đang trong phút
đăng quang truyền hình trực tiếp. Cô nghiêm trang trả lời: em là sinh viên
năm thứ nhất đại học Hà Nội. Ngày nào khi ra khỏi lớp, em cũng đến phố