dân Nam từ nửa thế kỉ nay giỏi ngoại ngữ hơn dân Bắc. Sự gần gũi giữa
tiếng Nam và tiếng nước ngoài không phải ở ngữ pháp hay cùng có âm S
nặng mà chính là ở sự có mặt thường trực các phép lịch sự mà miền Bắc, từ
khi người Pháp rút khỏi, đã kiên quyết rũ bỏ như rũ bỏ những tàn dư khác
của giai cấp tư sản. Năm 1975, người Hà Nội vào chơi Sài Gòn ai cũng ngơ
ngẩn mất mấy ngày có lẽ bởi lâu quá mới gặp lại bánh mì bơ và cà phê sữa,
có lẽ bởi bây giờ mới nhận thấy lưỡi không đủ mềm mại cho những từ cám
ơn xin lỗi. Phượng sinh ra khi nhóm từ vựng này đã biến mất trong văn nói
Hà Nội nên lần đầu tiên đến Sài Gòn lúc nào má cô cũng ửng đỏ khi nghe
tiếng Việt, khi nói tiếng Việt và thường xuyên giật mình tưởng đang ở nước
ngoài. Mười lăm năm sau gặp lại cô vẫn không hết ngạc nhiên. Ra khỏi con
hẻm sau khi đã đếm thêm năm chục con kiến đỏ cũng trong vòm lá xanh,
Phượng khoan khoái nghĩ đến ly trà đá đường hóa học đặc sản Sài Gòn.
Chiều tối, mưa nhân tạo vẫn rả rích từ các băng nhạc Vina. Người đàn ông
có chiều cao một mét sáu mươi, chiều cao rất phương đông theo cách nhìn
của người Pháp, ngồi đối diện với Phượng. Cô nhận thấy rằng ông ở độ tuổi
của bố mình, độ tuổi cũng rất phương đông theo cách nhìn của người Pháp.
Cặp kính trắng tròn trịa lấp lánh trên mắt ông cho biết ông thường xuyên sử
dụng moi và toi thay vì tôi và anh hay chị hay em hay cháu, chứng tỏ ông
có khả năng đọc thuộc lòng Con cáo và chùm nho hay Con ve và con kiến,
điểm xuyết các câu chuyện của mình bằng những dòng truyền cảm trích từ
Đỏ và đen hay Ba chàng ngự lâm pháo thủ hay Bà Bô-va-ry. Chiếc mũ phớt
trắng trên đầu ông khiến Phượng không nghi ngờ về việc ông thường xuyên
nhận được giấy mời đến dự tiệc mừng quốc khánh hay các đêm giao lưu
hữu nghị do Đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Pháp tổ chức hàng năm và rất
có thể ông đã là người đọc lời chào mừng hội nghị thượng đỉnh các nước
nói tiếng Pháp tại nhà hát Lớn phố Tràng Tiền năm một nghìn chín trăm
chín mươi bảy. Chiếc ba toong ông cầm ở tay không có nghĩa là chân ông
đi không vững mà chỉ nói với Phượng một cách rõ ràng rằng ông dao du vô
cùng mật thiết với các tham tán cũng như các tùy viên văn hóa cứ bốn năm
một lần phải quay về Bộ Ngoại Giao Pháp vì hết nhiệm kì. Sau này những
lần đọc báo, tuy chỉ nhìn thấy một cái lưng áo trắng, một cánh tay áo trắng,