gác chung quanh, trông như một ngục tối dưới hầm. Người ta gọi tắt nó là
Khám tử.
Adam có vẻ phấn khởi:
– Tôi mong được sớm vào đấy.
– Đừng có mong! – Ông già lắc đầu – Anh sẽ bị chấn động. Đó là một
nơi tối tăm, ảm đạm, ghê rợn, nơi có những người thiểu não ngày đêm chờ
đợi bị giết. Người bệnh nặng nằm chờ chết trên giường bệnh cũng buồn đấy
nhưng không ghê rợn như người tù chỉ sống để chờ bị người ta… làm chết.
Kinh khủng lắm. Tôi đã 50 tuổi khi tôi đặt chân vào đấy lần thứ nhất. 50 chứ
không 30 như anh bây giờ đâu. Vậy mà sau đến sáu bảy ngày tôi cứ sầu
buồn như người thất tình, đêm ngủ không yên, ác mộng vớ vẩn.
Ông già uống một hớp cà phê:
– Tôi không thể tưởng tượng được anh sẽ cảm thấy gì, sẽ nghĩ gì khi anh
vào đó. Vào khám tử để gặp một người hoàn toàn xa lạ với mình đã đủ
thương tâm rồi. Anh định sẽ nói gì với ông nội của anh?
– Tôi chưa biết, chưa định. Đến lúc gặp ông tôi, tôi sẽ tùy.
– Ông cháu gặp lại nhau trong khám tử hình. Ông là tử tù, cháu là luật sư.
– Ông già bùi ngùi – Đúng là cuộc đời có nhiều chuyện kỳ quái. Ai dàn xếp
những cuộc gặp gỡ như vậy? Mà có sự dàn xếp trước không chỉ hoàn toàn
ngẫu nhiên?
Hai người lại cùng im lặng.
– Tôi nhớ ra rồi. – Ông già nói – Tôi nhớ ông già Sam có hai người con,
một trai, một gái. Bố anh và bà cô anh. Tyner biết những chi tiết ấy kỹ hơn
tôi. Tôi không nhớ là vì cả hai người con ông Cayhall đều không liên lạc gì
với chúng tôi.
– Tôi đã kể về bà cô tôi với ông rồi. Cô tôi là bà Lee Cayhall Booth. Cô
tôi rất muốn quên cái họ Cayhall. Bà lấy chồng giàu ở Memphis. Ông chồng
bà là chủ một hay hai ngân hàng. Ông bà giấu kín không cho ai biết ông bà
có liên hệ gia tộc với tử tù Sam Cayhall.
– Bà mẹ anh bây giờ ở đâu?