sinh, ai cũng nghĩ ta ta không sống nổi. Nhưng rồi khi thấy ta đi suốt cuộc
đời này với cái chân lành, mọi người bảo ta giống con sếu. Mà này, ngoài
chuyện đứng trên một chân, sếu còn là biểu tượng trường thọ cơ đấy. Quả
thật thế!”, bác khẳng định. Bác Sếu sống lâu hơn tất cả những người trong
gia đình và khi không còn sức làm việc, bác buộc phải bán đi từng món
một, cuối cùng bán nốt cả nóc nhà che mưa che nắng trên đầu. Vì thế bác
đành phải sống dưới gầm cầu.
Có lần, khoảng một năm về trước, Mộc Nhĩ hỏi bác Sếu đã sống ở gầm cầu
bao lâu rồi. Bác lắc đầu, chính bác cũng không nhớ. Nhưng ngay sau đó,
bác tươi tỉnh hẳn, tâp tễnh bước về một bên thành cầu, vẫy tay gọi Mộc Nhĩ
đi theo.
“Ta không nhớ mình đã sống ở đây bao lâu”, bác Sếu nói, “nhưng ta biết
con đã ở đây từ khi nào”. Ðoạn bác chỉ tay lên phía trên, hướng vào mặt
dưới cầu. “Không hiểu sao ta lại chưa cho con thấy cái này nhỉ?”
Trên một trong những phiến đá là một dãy những nét vạch sâu, hình như
được khắc bằng đá nhọn. Mộc Nhĩ chăm chú nhìn, rồi lắc đầu hỏi bác Sếu:
“Thế là sao ạ?”
“Mỗi vạch là một năm kể từ khi con đến đây”, bác Sếu giảng giải. “Ta tính
thời gian cho con, bởi ta nghĩ sẽ đến lúc con muốn biết mình bao nhiêu
tuổi.”
Mộc Nhĩ nhìn lại những nét vạch, niềm vui thích lộ rõ trên nét mặt. Số vạch
đúng bằng số ngón trên hai bàn tay - như vậy là mười vạch cả thảy.
Ðoán được ý nó, bác Sếu nói ngay: “Không đâu, con đã hơn mười tuổi rồi.
Lúc con mới đến đây và khi ta khắc những vạch này, có lẽ con đã được hơn
một tuổi, biết đi khá vững và bập bẹ nói rồi.”