Mộc Nhĩ gật đầu. Nó biết phần còn lại của câu chuyện. Bác Sếu đã dò hỏi
được đôi điều về Mộc Nhĩ từ người đàn ông mang nó đến cây cầu này. Ông
ta được một nhà sư nhân từ ở kinh thành Songdo trả công để đưa thằng bé
đến ngôi làng nhỏ Chulpo nằm bên bờ biển. Cha mẹ nó chết vì dịch sốt và
nhà sư biết thằng bé có người cậu ở Chulpo.
Ðến nơi, người đàn ông mới hay rằng cậu của Mộc Nhĩ không sống ở đó
nữa, ngôi nhà bị bỏ hoang từ lâu. Ông bèn mang Mộc Nhĩ tới ngôi chùa
nằm trên sườn núi, nhưng nhà chùa cũng không dám nhận thằng bé vào
chùa vì ở đây dịch sốt cũng đang hoành hành. Dân làng khuyên ông ta đem
đứa trẻ đến chỗ cây cầu, ở đó bác Sếu sẽ chăm sóc nó cho tới khi nhà chùa
qua cơn dịch bệnh.
“Thế rồi, ít tháng sau, khi một nhà sư đến đón con đi, con lại nhất quyết
không chịu rời ta”, lần nào bác Sếu cũng kể như thế. “Con bám chặt cái giò
còn lành lặn của ta như khi bám vào thân cây, không khóc lóc, nhưng nhất
quyết không chịu buông! Nhà sư nọ đành bỏ đi, để con ở lại.”
Hồi còn bé, Mộc Nhĩ thường nài nỉ để được nghe chuyện này, làm như nghe
đi nghe lại sẽ hé lộ thêm điều gì đó. Chẳng hạn, cha nó làm nghề gì, mẹ nó
trông như thế nào, ông cậu nó bỏ đi đâu... Nhưng Mộc Nhĩ không biết thêm
được chút nào. Giờ thì chuyện này không còn quan trọng nữa. Nếu Mộc
Nhĩ từng có người thân và một mái nhà nào khác ngoài bác Sếu cùng cái
gầm cầu này thì nó cũng không biết mà chẳng cần biết đến.
Bữa ăn hôm đó chẳng khác gì bữa tiệc - nắm gạo nấu nhừ thành cháo trong
cái nồi đất nung sứt mẻ được múc ra cái bát làm bằng quả bầu khô. Bác Sếu
còn có món đặc biệt là hai khúc xương đùi gà. Làm gì còn chút thịt nào
dính trên mấy khúc xương khô, nhưng hai người bạn kỳ cạch đập xương ra
để mót lấy mấy miếng tủy.
Sau đó, Mộc Nhĩ ra sông rửa ráy và múc về một bầu nước cho bác Sếu.