của Mộc Nhĩ quay về cái ngày mà nó đưa cho người bạn già món quà nó tự
tay làm ra. Nó nhớ lại vẻ hài lòng nghiêm trang của bác Sếu, và cái cách bác
lập tức đi tìm sợi dây buộc để con khỉ bao giờ cũng ở bên mình. Bác Sếu
không bao giờ, dù là bóng gió, bảo Mộc Nhĩ không nên thực hiện chuyến đi
này. Bác rất tự hào về lòng can đảm của Mộc Nhĩ.
Ký ức tự động xếp thành lớp lang trong tâm trí Mộc Nhĩ: việc bác bao giờ
cũng sẵn lòng bàn bạc mọi việc lớn nhỏ với nó... những câu chuyện bác kể,
bí mật về các ngọn núi mà bác hào hứng chia sẻ, vốn hiểu biết của bác về thế
giới chung quanh... cách bông đùa của bác, kể cả khi bác chế nhạo bản thân
mình hoặc nói về cái chân tàn tật của mình.
Một chuỗi ký ức khác ùa về cắt ngang dòng suy nghĩ của nó, giống như một
con cá phóng vọt lên mặt nước. “Bất kể bác đang ở đâu trên cuộc hành trình
của mình, bác Sếu ạ”, Mộc Nhĩ thì thầm, “con hy vọng bác đang đi trên đôi
chân khỏe mạnh.”
Đến đây những giọt nước mắt tuôn dài trên má Mộc Nhĩ.
Tiếng chuông chùa cắt ngang tiếng khóc nức nở của Mộc Nhĩ. Nó run rẩy
đứng dậy, cúi xuống rửa mặt dưới dòng suối và lê từng bước về nhà. Ông thợ
Min đang đợi nó ở ngoài sân - với chiếc xe đẩy và cái rìu.
Hôm nay lại đốn củi, Mộc Nhĩ thở dài. Chẳng có gì thay đổi cả. Tất cả mọi
thứ đều giống như trước khi nó bắt đầu chuyến đi.
Không. Chẳng giống chút nào. Bác Sếu không còn nữa. Mộc Nhĩ rùng mình.
Làm sao nó có thể chịu đựng mùa đông đang đến gần, một mình một bóng
trong hầm chứa rau ẩm thấp nhớp nháp như thế?
Ông thợ Min đưa cho nó cái rìu. “Lấy gỗ lớn”, ông nói như quát. “Tối thiểu
cũng phải bằng thân người.”