nắm rau dại và ít xương khô thành cái ăn.
Vài ngày sau, Mộc Nhĩ đã biết cách phân chia công việc để có thể nghỉ ngơi
đôi chút. Sau một lúc cần mẫn chặt cây, nó dừng tay rìu, chất số củi vừa chặt
xong lên xe, nghỉ một chút trước khi làm tiếp. Như thế tốt hơn cứ hùng hục
chặt củi như điên suốt mấy giờ liền, để lại một đống củi lớn ngổn ngang
trông phát ớn, vừa tốn thời giờ chất củi lên xe vừa mau xuống sức.
Trong những lúc nghỉ tay ngắn ngủi, Mộc Nhĩ thoáng cũng tranh thủ kiếm
được một chút thức ăn - vài cây nấm dại ở chỗ này, một chút dương xỉ ở chỗ
khác. Trong những lần cùng nhau đi lên núi, bác Sếu đã dạy cho nó nhiều
điều. Mộc Nhĩ biết nấm nào ăn ngon, nấm nào độc. Chỉ nghe qua tiếng hót
thôi là nó có thể gọi tên chim, biết phân biệt dấu vết của hổ báo với hươu
nai. Nó không bao giờ bị lạc đường, vì biết rằng những dòng suối luôn chảy
xuống chân núi, nơi có những con đường.
Ngoài những lúc trầm ngâm ngắm núi non, Mộc Nhĩ thích nhất là công việc
dỡ củi ở khu lò nung. Lò nằm ở đầu làng bên kia, nếu tính từ nhà ông Min.
Gần đó là một nhà kho rộng dựng sơ sài. Mộc Nhĩ đẩy xe đến trước cửa kho
rồi ôm củi đem vào trong cất cho khô ráo. Củi chất ngang tầm tay với của
người lớn, xếp thành những đống ngăn nắp hai bên lối đi chính giữa. Mộc
Nhĩ thích xếp củi của mình thật gọn ghẽ để những người thợ gốm có thể rút
từng thanh mà không làm cả đống củi đổ sập xuống.
Ở khu lò nung, nó thường gặp những người thợ gốm thay phiên nhau đến sử
dụng lò. Họ chỉ thường gật đầu đáp lại lời chào của Mộc Nhĩ. Sang ngày thứ
tư, một người trong số họ bắt chuyện với nó: “Mày là thằng nhỏ mới vào
làm cho ông Min, phải không?”
Mộc Nhĩ biết người thợ gốm này - tên ông là Kang. Tóc đã điểm sương,
nhưng ông còn trẻ hơn ông Min, ánh mắt sắc sảo và tay chân vẫn còn nhanh
nhẹn hơn ông Min, ánh mắt sắc sảo và tay chân vẫn còn nhanh nhẹn. Mộc
Nhĩ hạ càng xe xuống đất và cúi thấp đầu chào.