giá đầy ắp những con quỷ vô hình cắn vào mũi, vào tay và bàn chân nó. Đã
đến lúc hai bác cháu phải thực hiện cuộc di trú hàng năm rồi.
Suốt mùa đông, đôi bạn một già một trẻ nương náu trong một cái hầm ngoài
bìa làng. Nơi đó từng có một trang trại nhưng đã bị thiêu rụi từ lâu, duy căn
hầm chứa rau thì vẫn còn. Dân làng thường trữ rau quả dùng trong gia đình ở
những căn hầm rộng bằng một gian phòng. Cái hầm này, giống như những
hầm khác, có một đoạn dốc làm lối ra vào. Bác Sếu có thể đứng thẳng trong
hầm mà đầu không bị chạm vào mái. Hai bác cháu che nóc hầm lại bằng
cành cây và rơm rạ. Những chiếc chiếu do bác Sếu bện thì trải dưới sàn.
Mộc Nhĩ ghét những đêm lạnh tê lạnh tái trong hầm. Dẫu biết rằng ngủ ở nơi
khuất gió vẫn tốt hơn, nhưng nằm dưới lòng đất khiến nó thấy lạnh thấu
xương. Lại còn cảm giác như bị nhốt kín nữa, đâu như ở dưới gầm cầu, với
dòng nước rì rào tuôn chảy như lời thì thầm nhắc nhở khôn nguôi về những
miền đất xa xôi. Nếu không có bác Sếu bên cạnh, chắc chắn nó không thể
chịu nổi những đêm đông dài đằng đẵng.
“Chúng ta không phải ở lâu đâu”, năm nào bác Sếu cũng nói như một điệp
khúc. “Thời điểm tệ hại nhất của mùa đông là lúc tuyết tan và những cơn lũ
xuân. Có lẽ chỉ hai tuần trăng nữa thôi, gầm cầu lại vui mừng đón chúng ta
trở về!”
Mộc Nhĩ đang đợi ở ngoài sân; ông thợ Min vẫn chưa ra khỏi nhà. Đến khi
cánh cửa mở ra thì lại là vợ ông xuất hiện. Bà đang ôm một cuộn gì đó.
“Mộc Nhĩ!” - bà cất cao giọng. Nó ngạc nhiên ngẩng lên, tự hỏi không biết
mình đã làm sai điều gì. Rồi nó thấy dù giọng nói nghiêm nghị nhưng mắt bà
long lanh tỏa sáng.
“Làm sao cháu có thể làm tốt công việc cho người thợ gốm trứ danh được
nếu cháu lạnh run thế kia?” - bà trách nhẹ, đoạn chìa ra trước mặt một vật