Vài giây sau, ông mở mắt ra và khịt khịt mũi. “Mày làm thế là đủ lâu rồi”,
ông nói một cách hờ hững, rồi đi về nhà cầm theo cả hai cái bát.
Mộc Nhĩ mím chặt môi lại cố không cười ngoác miệng ra khi ông chủ của nó
quay lưng đi. Đây là lần đầu tiên nó tự làm ra được thứ nước men hoàn hảo
như vậy mà không cần có thêm chỉ thị nào của ông thầy nữa.
Ông Min làm một lúc năm chiếc bình hình quả dưa giống hệt nhau. Khắc
hoa văn rồi sau đó khảm từng chi tiết của hoa văn bằng nước áo màu là công
việc chiếm rất nhiều thời gian, nên Mộc Nhĩ ở lại nhà ông cho đến khi trời
tối mịt để phụ giúp ông bất cứ việc gì nó có thể làm được. Cứ mỗi lần khắc
và khảm xong một chiếc bình, ông thợ Min lại đổ đi chỗ nước áo còn thừa.
Cuối cùng, bình được nhúng vào men. Chưa bao giờ Mộc Nhĩ lại lọc đất sét
cẩn thận đến thế; chính ông Min cũng tự tay lọc đất lần cuối cùng và pha chế
men.
Ông thợ Min tựa như người bị quỷ ám. Ăn rất ít, ngủ cũng ít và cho dù làm
việc dưới ánh sáng mặt trời hay dưới ánh đèn đêm thì hai con mắt ông cũng
luôn long lanh một tia sáng mạnh mẽ. Mộc Nhĩ có cảm giác bầu không khí
làm việc dưới mái hiên sống động hẳn lên với những tiếng thì thầm và tiếng
xuýt xoa đầy âu lo: sứ thần sắp quay lại.
Cuối cùng thì cái ngày họ chồng những chiếc bình vào lò nung cũng đến.
Mỗi chiếc bình được đặt cẩn thận lên ba chiếc vỏ sò xếp thành hình tam giác
ở trên đỉnh một trong những dàn lò bằng đất sét, ở vị trí gần giữa bầu lò, nơi
ông cho rằng sức nóng phù hợp nhất. Sau đó củi được xếp bắt chéo nhau với
nhiều lớp rất phức tạp và rất chính xác. Củi mồi lửa gồm cành khô và lá
thông được nhóm lên nhờ một hòn đá lửa, chỉ khi lửa cháy đượm theo đúng
quy cách thì cửa lò mới được niêm kín lại.
Canh chừng sức nóng của lò nung là việc cực kỳ khó. Lò phải được làm
nóng lên từ từ - nếu tăng nhiệt quá nhanh vào lúc khởi đầu thì đồ gốm có thể