về sau có cả chục bản sai biệt nhau. Bản nào đúng, bản nào sai ?
Và còn nhiều nữa, rất nhiều…
Ngoài trở lực tài liệu còn có lắm nguyên nhân chủ quan về phía người
viết :
- Chưa đủ thận trọng chăng ?
- Quá tin ở uy danh một tên tuổi nào đó chăng ?
- Thiếu phương pháp làm việc chăng ?
- Tinh thần trách nhiệm chưa đúng mức chăng ?…
Trong tình trạng thiếu thốn, nhập nhèm, bất nhứt của tài liệu đó, một
cá nhơn đơn độc chắc phải dành hết cả một đời người, mà phải là một
người thọ nữa, họa may mới hoàn thành một bộ văn-học sử tránh được
những sai lầm tuy nhỏ nhặt nhưng lại dễ làm mất lòng tin cậy của độc giả.
Cái gì cũng gần như là có dị biệt, sai sót, nghi vấn hết thì tin làm sao được
? Cứ đả kích TÔN THỌ TƯỜNG ở hai chữ trau tria trong câu « Về Hớn
trau tria mảnh má hồng » trong lúc câu của họ TÔN đúng là « Về Hớn đành
trau phận má hồng ». Dựa vào một văn bản sai, khen chê đều là những đòn
đỡ đánh trong gió. Về mặt văn-học sử, nhận định hay quan niệm có thể dị
biệt giữa các tác giả nhưng sự kiện không thể có tính cách lưỡng khả, trích
dẫn phải trung thực, sử dụng nên kiểm soát, nếu cần và có thể…
Một nhà viết văn-học sử khó thể đơn độc đính chánh hết những sai
lầm, đánh tan được hết những nghi vấn trong suốt quá trình diễn tiến của
văn-học Việt-nam từ chữ hán qua chữ nôm đến chữ quốc ngữ. Phải chăng
vì ý thức trước điều đó mà nhiều vị đã tỏ ra khiêm tốn, ít ra cũng ở cái tựa,
nào là sử yếu, nào là giản ước, nào là lược đồ.
Chúng tôi nghĩ rằng văn-học sử cũng gần như tự điển, nếu được biên
soạn tập thể chắc sẽ đầy đủ và tránh được nhiều vấp váp hơn, mỗi người
phụ trách một hay hai vấn đề, một giai đoạn hay nhiều lắm là một thời đại.
Điều này tuy khó thực hiện nhưng không phải là một điều bất khả. Khó ở
chỗ một tập thể như vậy đòi hỏi phải có một quan điểm đồng nhứt. Nếu
thực hiện được, có một điều lợi rõ ràng là tác phẩm có thể hoàn thành sớm