Trong khoảng tám mươi năm thuộc Pháp, vì sự giới hạn của chế độ
mà cạnh bên một thứ văn chương được phổ biến công khai, còn lưu hành
một thứ văn chương cách mạng hay văn chương quốc cấm nữa. Đây mới là
một thứ văn chương biểu lộ được trực tiếp cái hào khí của dân tộc. Ông
THÁI BẠCH có sưu tập thành sách « Thi-văn quốc cấm thời Pháp thuộc »
(1968). Chúng tôi nghĩ rằng quyển này có được tái bản chắc phải được bổ
túc thêm nhiều. Như có một bài thơ luật của BÙI HỮU NGHĨA không có
nhan đề cũng đăng tải trong tập Miscellanées số 2 (1889) cùng với bài «
Tôn phu nhơn qui Hớn thơ » của TÔN THỌ TƯỜNG, nhưng sau đó trong
thời Pháp thuộc không được phổ biến. Trước đây mười mấy năm, khi BÙI
HỮU NGHĨA còn hiện diện trong chương trình quốc văn lớp đệ tứ (lớp
chín bây giờ), chúng tôi không được thấy có sách nào trích giảng bài đó có
giá trị như một lời tuyên chiến :
Ai khiến thằng Tây tới vậy à,
Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba.
Hẳn hòi ít mặt đền ơn nước,
Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà.
Đá sắt ôm lòng cam với trẻ,
Nước non có mắt thấy cho già.
Nam kỳ chi thiếu người trung nghĩa,
Báo quốc cần vương há một ta.
Những bài hát, những bài thơ do các nhà cách mạng yêu nước phổ
biến trong dân chúng hồi đầu thế kỷ này và trong những năm kháng Pháp
1945-1954, có ai đã sưu tập đầy đủ chưa ? Riêng loại văn học cách mạng ở
Trung, Bắc hồi đầu thế kỷ này đã khiến cho viên toàn quyền Đông Pháp lúc
đó cũng phải chú ý lo ngại : « Loại văn học này nó không phải xuất hiện
mới ngày hôm qua. Nó ra đời và được phổ biến ngay trước những biến cố
chánh trị xảy ra trước ngày chiến thắng của quân đội Nhựt. Ông Beau ngay
từ lúc đó đã thông báo cho chúng tôi biết sự xuất hiện của loại văn học cách
mạng nói trên, và thứ văn học này đã gia tăng gấp bội trong thời gian gần
đây. »