năng trời cho và làm rạng danh cho dòng dõi cao quý của chính chàng.
Trước mắt chúng ta là một kẻ nô lệ bất hạnh của tình yêu; tuy nhìn thấy
trước được mọi nỗi khốn đốn đang chờ mình, nhưng chàng trai không còn
đủ sức để lẩn trốn chúng, đẩy lùi chúng; chàng đã hiên ngang đứng ra hứng
chịu mọi nỗi khốn đốn ấy, mặc cho chúng giày vò mình, hoàn toàn chẳng
đếm xỉa gì đến những phương sách khả dĩ giúp mình giành được một chỗ
đứng dễ chịu hơn; tóm tại, đó là trang nam nhi vừa hư hỏng, vừa đạo đức,
luôn đeo đuổi những ý định tốt lành, nhưng lại hành động một cách xấu xa,
nếp cảm nghĩ thì rất đáng quyến rũ, nhưng hành vi thì đáng phỉ báng.
Chẳng qua là một tính cách độc đáo.
Tính cách của nàng Manông Lexcô lại càng độc đáo hơn. Nàng biết rõ
thế nào là phải trái, thậm chí còn rất mực coi trọng lẽ phải, nhưng toàn làm
những việc đáng chê trách. Nàng yêu tha thiết hiệp sĩ đơ Griơ, nhưng nỗi
thèm khát cảnh giàu sang và hoa lệ đã khiến nàng phản lại những tình cảm
của chính mình đối với chàng trai, chạy theo một gã tài chính lắm tiền. Phải
làm chủ được một nghệ thuật thế nào mới có thể thu hút nơi cảm tình của
độc giả, gợi lên nơi họ sự thông cảm đối với những bất hạnh mà cô gái hư
thân mất nết này phải hứng chịu!
Tuy cả hai đều là những kẻ hư hỏng, nhưng người ta vẫn thấy thương
họ, vì thấy rằng sự hư hỏng ấy chung quy chỉ là hậu quả của sự yếu lòng và
si mê; hơn nữa, ta cũng thấy rõ rằng trong thâm tâm, cả hai đều lên án gay
gắt hành vi của chính mình và đều thừa nhận rằng cách cư xử như vậy là rất
đáng chê trách.
Xem thế đủ biết tuy miêu tả cái xấu, nhưng tác giả tuyệt nhiên không
đem nó ra mà truyền giảng. Tác giả chỉ vẽ lên ở đây ảnh hưởng của những
dục vọng cuồng si, đã khiến cho lý trí trở nên bất lực, khi mà con người bị
cầm tù bởi nỗi bất hạnh là đem phó mặc lý trí của bản thân cho dục vọng
thao túng…”
Thiên truyện bị cấm lưu hành suốt hai chục năm dài đằng đẵng. Mãi
đến năm 1735 mới lại được in ra, lần này thành hai tập mỏng, kèm theo