không biết bao nhiêu sửa chữa, thậm chí còn đưa vào một tình tiết mới, tuy
không hề làm thay đổi nội dung chính của câu chuyện. Từ đấy trở đi,
Manông Lexcô mới giành được một chỗ đứng vững chãi trong các sáng tác
xuất sắc nhất của văn chương thế giới xưa nay.
***
Đề tài được Prévost luận giải trong Truyện chàng hiệp sĩ đơ Griơ và
nàng Manông Lexcô là thứ tình yêu tiền định, đủ sức nhấn chìm hết thảy
mọi thứ ở đời. Đây là đề tài, như đã nói, vốn chiếm vị trí chủ chốt trong
sáng tác của nhà văn. Nhưng khác với những bộ tiểu thuyết trường thiên
của Prévost, cốt truyện vốn hết sức phức tạp và lắt léo, Truyện chàng hiệp
sĩ đơ Griơ và nàng Manông là một áng văn bố cục cân đối và hài hóa khác
thường. Nét đặc sắc ấy sở dĩ có được chắc hẳn, chính là do tính chất tự
thuật của nó: cái bi kịch làm chất liệu của thiên truyện cũng chính là tấn bi
kịch đầy xúc động mà tác giả đã nếm trải với tất cả tâm hồn mình một cách
đủ sâu sắc, đến mức chẳng cần phải thêm thắt bất cứ một suy tưởng hay
một biến cố hư cấu nào.
Prévost đã dựng lên được một hình tượng về một “cô gái sa đọa”, có
sức lôi cuốn mãnh liệt đến mức gần như lấn át hết hình ảnh của chàng hiệp
sĩ chung tình của chính mình trong cảm thức của người đọc. Một chứng cứ,
thoạt nhìn rất nhỏ nhặt, nhưng đầy sức thuyết phục, là: ngay từ đầu thế kỷ
trước, các nhà kinh doanh sách đã tùy tiện “đổi” lại nhan đề tập sách từ
Truyện chàng hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô thành Truyện nàng
Manông Lexcô và hiệp sĩ đơ Griơ; ít lâu sau, nữ nhân vật đã lấn át hẳn tên
tuổi của chàng hiệp sĩ ở bìa sách: tên truyện, bây giờ chỉ còn vẻn vẹn ba
chữ: Nàng Manông Lexcô.
Mãi gần đây, các nhà xuất bản ở Pháp mới trở lại với cái tên cũ, do
chính tác giả đặt cho quyển truyện, việc đảo ngược họ tên hai nhân vật
tưởng chừng rất nhỏ nhặt, nhưng thực ra đã động chạm đến một vấn đề lớn:
ai là nhân vật chính và tấn bi kịch, mà nhà văn muốn thuật lại với chúng ta
trong tác phẩm, là bi kịch của người nào, và dĩ nhiên chẳng phải vô cớ mà