Tuy nhiên, cũng chính vào thời kỳ đó, Prévost đã lại phải lìa bỏ quê
nhà lần nữa. Số là vào những năm đó, giới thượng lưu Pháp vốn sính một
hình thức thông tin lạ đời: xuất bản các tạp chí viết tay, loan truyền đủ mọi
thứ tin tức, kể cả những tin đồn thất thiệt, lẫn những chuyện đơm đặt hồ độ,
chẳng đếm xỉa gì đến sự thật, của các vương tôn, công tử nhàn nhã. Đám
thư lại có hoa tay phụ họa vào, ngồi nắn nót chép những trang tạp chí nọ để
gửi đến đám khách hàng đặt mua. Prévost đã quá khinh suất, bằng lòng
giúp đỡ việc biên tập về văn phong cho một trong những tạp chí loại đó.
Một vị quý tộc có thân thế bất đồ đã bị tờ tạp chí này vu khống, ông ta bèn
ra lệnh bắt giam chủ bút. Các nhà chức trách bắt đầu mở cuộc điều tra. Đến
khi đó biết được rằng Prévost có nhúng tay vào việc biên tập, thì viên cục
trưởng cảnh sát liền yêu cầu ông phải rời ngay nước Pháp. Prévost lại phải
lưu lạc ở chốn đất khách quê người một năm rưỡi nữa, lúc ở Bỉ, lúc ở
Frankfurt.
Mãi đến lúc về lại Pháp, ông mới bắt đầu được hưởng một cuộc sống
yên hàn, và danh tiếng ông mới đạt đến đỉnh cao chói lọi. Từ đó, Prévost
mới được biết thế nào là sự thư thái tâm hồn và sự no đủ về vật chất.
Prévost vẫn không rời bỏ sự nghiệp sáng tác cho đến tận giây phút trút
hơi thở cuối cùng. Ông mất ngày 25 tháng Một năm 1763 vì vỡ tim trong
một lần dạo chơi quanh điện Chanteille, ở ngoại ô Paris.
***
Truyện hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô, như đã nói, ra mắt lần
đầu vào năm 1731 ở Hà Lan với tư cách là phụ lục của tập VII bộ Ký sự
của một trang quý tộc. Ở Pháp, kiệt tác này không được đánh giá cao ngay
từ đầu, thành ra mãi đến năm 1733 mới được ấn hành.
Tờ “Báo của cung đình và kinh thành Paris”, số ra ngày 21 tháng sáu
năm 1733, đã đăng một mẩu tin như sau:
“Mới đây, tập VII bộ Ký sự của một trang quý tộc đã ra mắt công
chúng. Thiên truyện được viết tài tình và lôi cuốn đến mức ngay cả những