Năm 1751, Prévost bỏ sang Hà Lan. Trong chuyến đi này, chắc hẳn
nhà văn đã mang sẵn trong hành trang Truyện hiệp sĩ đơ Griơ và nàng
Manông Lexcô, và định đưa cho các nhà in ở Amsterđam xuất bản, Tuy
nhiên, ngây ngất với những thành công tuyệt đỉnh của bộ Ký sự, các nhà
kinh doanh sách Hà Lan chỉ muốn nhận từ tay ông những tập tiếp theo của
bộ tiểu thuyết đó. Vì túng bấn, Prévost phải bắt tay viết tiếp hai tập nữa,
mặc dù Ký sự hoàn toàn chẳng cần phụ thêm một dòng tục biên nào. Do
nhu cầu thương mại, bộ tiểu thuyết đã được gắn thêm hai tập mới trong đó
có một tập là Truyện chàng hiệp sĩ đơ Griơ và nàng Manông Lexcô, mặc dù
chính tác giả cũng đã phải thú thực trong Lời tựa ở đầu sách rằng câu
chuyện tả ở đây chẳng hề liên quan gì với những biến cố đã thuật lại trong
Ký sự.
Như thế là, thiên truyện nhỏ khiến cho danh tiếng của linh mục
Prévost trở nên bất tử đã ra mắt độc giả lần đầu ngay từ năm 1751, với tư
cách là phụ lục của bộ Ký sự của một trang quý tộc mà ngày nay đã hoàn
toàn bị lãng quên.
Các sáng tác của Prévost sở dĩ được nhiều người hâm mộ trước hết là
do tính hấp dẫn của chúng. Các tác phẩm của ông hầu như trang nào cũng
vẽ lên một biến cố rất đỗi lôi cuốn – khi thì cảnh bắt cóc hoặc giết người,
khi thì một cuộc truy nã, và đâu đâu cũng đầy rẫy những sự trùng khớp hết
sức tình cờ, hành động tả ở đây phần nhiều đều diễn ra tại những căn nhà
ẩm thấp, những lâu đài âm u, những cánh rừng hoang vắng hoặc những xứ
sở xa lạ.
Trong các nhân vật chính, bao giờ cũng phải có mặt một con “quỷ
dữ”, tâm địa hắc ám, hành tích đầy bí ẩn, hiện thân cho cái ác.
Người đọc còn bị lôi cuốn bởi những nét mới lạ mà Prévost lồng vào
tính cách các nhân vật: tiểu thuyết nào của ông cũng khắc họa những con
người tâm can bị thiêu đốt bởi những khát vọng mãnh liệt, có thể nuốt
chửng hết thảy mọi thứ trên đời và lí trí không sao cưỡng nổi. Và niềm khát
vọng giữ vai trò chủ chốt ở đây phần nhiều đều là những mối tình say đắm.