người lính túc vệ, tôi được biết họ sẽ theo con đường Noócmanđi và xuống
cảng Havơrơ đơ Graxơ để đi Mỹ.
Lập tức chúng tôi kéo đến cửa ô Xanh Hônôrê, mỗi người theo một
con đường khác nhau. Chúng tôi tập hợp lại ở đầu cửa ô. Ngựa của chúng
tôi rất sung sức. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã thấy sáu tên cảnh sát cũng với
hai cỗ xe ngựa khốn khổ mà ông và tôi, chúng tôi từng thấy ở Pacy, cách
đây hai năm. Cái quang cảnh ấy suýt nữa làm tôi tiêu tan sức lực và lý trí.
Tôi kêu lên: “Ôi, số phận, số phận nghiệt ngã, ít nhất ở đây hãy cho ta chết
đi hoặc là chiến thắng!”
Chúng tôi thảo luận với nhau một lúc về cách thức tiến hành cuộc tiến
công. Bọn cảnh sát chỉ còn cách chúng tôi không quá bốn trăm bước, và
chúng tôi có thể cắt ngang đội hình của chúng bằng cách vượt qua một
cánh đồng nhỏ, con đường cái lớn bao quanh. Anh lính túc vệ có ý kiến nên
theo cách ấy để bất ngờ xông thẳng vào bọn chúng. Tôi tán thành và là
người đầu tiên thích ngựa xông lên. Nhưng số phận đã bác bỏ một cách tàn
nhẫn mọi mong ước của tôi. Những tên lính cảnh sát thấy năm anh kỵ sĩ
xông đến, không còn nghi ngờ gì là để tấn công chúng. Chúng bố trí tự vệ,
chĩa lưỡi lê và súng ra một cách kiên quyết. Quang cảnh đó, trong khi làm
chúng tôi, – tôi và anh lính túc vệ, – hăng máu lên, thì lại làm cho ba chiến
hữu của chúng tôi mất hết can đảm. Họ cùng một lúc dừng lại và sau khi rỉ
vào tai nhau vài lời gì đó mà tôi không nghe thấy, họ quay đầu ngựa lại và
phi nước đại về phía Paris. Anh lính túc vệ có lẽ cũng cuống cuồng như tôi
trước sự đào ngũ khốn nạn đó, thốt lên: “Lạy Chúa! Làm gì bây giờ?
Chúng ta chỉ có hai người!”
Tôi điên tiết và ngạc nhiên đến không nói lên lời. Tôi dừng lại, phân
vân không biết việc trả thù đầu tiên của tôi có nên là đuổi theo và trừng
phạt những tên hèn nhát đã bỏ rơi tôi không? Tôi nhìn bọn chúng bỏ chạy
và mặt khác, nhìn về phía những tên cảnh sát. Nếu có phép phân thân được,
tôi sẽ cũng một lúc xông vào cả hai bọn người đang làm cho tôi điên tiết đó
và tôi sẽ nuốt chửng bọn chúng. Đoán được sự phân vân qua ánh mắt đờ