run sợ cho tôi hơn là cho nàng, người con gái hiền dịu ấy không dám mở
miệng để nói lên những lo sợ của mình.
Sau khi đã suy nghĩ mông lung, tôi quyết định đến gặp ông thống đốc
để cố gắng làm cho ông xúc động khi nghĩ đến những điểm về danh dự,
hoặc về sự kính trọng và quý mến của tôi đối với ông. Manông không
muốn tôi đi. Nàng rưng rưng nước mắt bảo tôi:
“Anh đi đến chỗ chết. Chúng sẽ giết anh mất. Em sẽ không còn thấy
anh nữa. Em muốn chết trước anh.”
Phải cố gắng lắm tôi mới thuyết phục được nàng, rằng tôi cần phải đi,
còn nàng cần phải ở nhà. Tôi hứa với nàng là sẽ gặp lại nàng trong chốc lát
nữa thôi. Cũng như tôi nàng có biết đâu rằng sự nổi giận của Chúa Trời và
nỗi hằn thù của kẻ thù của chúng tôi sẽ ập xuống đầu nàng.
Tôi đi đến đồn chỉ huy. Ông thống đốc và cha tuyên úy cùng ở đó. Để
làm cho ông ta động lòng, tôi đã hạ mình cầu khẩn van xin, làm những điều
mà nếu vì một lý do nào khác, tôi đã chết đi vì xấu hổ. Tôi đã nêu lên với
ông ta bao nhiêu những điều có thể gây xúc động cho một trái tim không
phải là tim của một con hổ hung dữ và tàn ác. Nhưng đáp lại những lời than
thở cầu xin của tôi, con người man rợ ấy chỉ có hai lời giải đáp mà ông
nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần. Ông ta bảo tôi: Manông là thuộc quyền định
đoạt của ông ta; ông ta đã hứa với cháu ông ta. Tôi đã nêu quyết tâm là phải
tự kiềm chế mình đến cùng. Tôi chỉ thưa với ông ta rằng tôi tin ông ta là
bạn của tôi nên không nỡ lòng nào giết tôi bởi vì tôi thà chết đi còn hơn là
mất người yêu.
Khi ra về, tôi tin chắc rằng chẳng còn hy vọng gì ở lão già cứng rắn,
sẵn sàng xuống hỏa ngục nghìn lần vì thằng cháu yêu của lão. Tuy nhiên,
tôi quyết tâm vẫn kiên trì trong ý định giữ vẻ bình tĩnh đến cùng, đồng thời
cũng quyết tâm, nếu người ta đi đến chỗ bất công cùng cực với tôi, sẽ đem
lại cho châu Mỹ một trong những tấn kịch đẫm máu nhất, khủng khiếp nhất
mà tình yêu chưa từng gây ra. Tôi vừa đi vừa suy ngẫm về cái dự định đó,
giữa lúc số phận, hình như muốn thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của tôi, đã xui