tôi gan ruột rối bời đến nỗi tôi hoa cả mắt, không còn nhận ra mình đang ở
đâu. Tôi thương tiếc cho cái chết của Synnơlê. Tôi thấy hình như chỉ có
chết ngay đi mới là phương thuốc chữa khỏi những đau khổ của tôi. Nhưng
chính cái ý nghĩ về cái chết đó đã làm cho tôi tỉnh trí trở lại và làm cho tôi
còn có khả năng đi đến một quyết định. Tôi thốt lên:
“Sao? Ta lại muốn chết để chấm dứt những nỗi khổ đau của ta sao?
Thế ra còn có điều làm ta lo sợ hơn là mất người ta yêu sao? A, ta phải chịu
những đau thương cùng cực để cứu giúp người tình của ta rồi hãy chết, sau
khi đã chịu đựng đau khổ mà không đạt được cái gì”
Tôi trở lại thị trấn, về nhà. Tôi thấy Manông lả đi vì sợ hãi và lo lắng.
Sự có mặt của tôi làm cho nàng tỉnh táo lại. Tôi không thể không nói thật
với nàng về cái biến cố khủng khiếp vừa đến với tôi. Nàng ngã ngất trong
tay tôi khi nghe tôi thuật lại cái chết của Synnơlê và trông thấy vết thương
trên cánh tay tôi. Tôi phải bỏ ra đến mười lăm phút để làm cho nàng tỉnh
lại. Bản thân tôi cũng như người đã chết rồi. Tôi chẳng thấy có chút ánh
sáng nào về sự an toàn của Manông cũng như của tôi. Khi nàng đã hơi lại
sức, tôi nói với nàng:
“Manông, chúng ta sẽ làm gì bây giờ? Ôi, chúng ta sẽ làm gì bây giờ
đây? Anh cần phải trốn đi. Em có muốn ở lại trong thị trấn không? Đúng
đấy, em cứ ở lại đi! Em còn có thể sung sướng ở đó; còn anh, anh sẽ đi tìm
cái chết giữa những con người man rợ hoặc trong móng vuốt của thú dữ.”
Nàng đứng dậy, tuy còn rất yếu, cầm tay tôi, dắt tôi ra cửa rồi bảo tôi:
“Chúng ta cùng trốn đi, không được chần chừ một phút nào nữa!
Người ta có thể tình cờ tìm thấy thi hài của Synnơlê và chúng ta sẽ không
có thì giờ tránh xa nơi đây.”
Tôi thất sắc hỏi lại nàng:
“Nhưng Manông thân yêu ơi! Em hãy nói cho anh biết chúng ta đi đâu
bây giờ? Em có phương sách gì không? Thà rằng em cố sống không có anh
ở đây, còn anh thì đem đầu đến đầu hàng ông thống đốc, có tốt hơn
không?”