huấn về đạo đức chỉ là những nguyên tắc mơ hồ và chung chung, do đó rất
khó áp dụng riêng biệt cho từng chi tiết trong phong tục và hành động. Hãy
nêu lên một ví dụ. Những người thuộc dòng dõi cao quý đều thấy rằng sự
hiền hòa và lòng nhân đạo đều là những đức tính đáng yêu và đều muốn
thực hiện những đức tính đó, nhưng khi thực hiện, họ lại thường lưỡng lự.
Họ nêu lên những câu hỏi: Có đúng lúc không? Đâu là mức độ vừa phải?
Có lầm đối tượng không? Hàng trăm khó khăn ngăn họ lại. Người ta sợ
mình bị mắc lừa khi muốn tỏ ra nhân từ và hào hiệp, sợ mình trở nên nhu
nhược nếu mình tỏ ra quá hiền dịu và dễ xúc động; tóm lại là sợ thái quá
hay bất cập trong khi thi hành những bổn phận được gói gọn một cách quá
mơ hồ trong những khái niệm chung chung về nhân đạo, hiền hòa. Trong
sự phân vân đó, chỉ có kinh nghiệm hoặc nêu lên một ví dụ điển hình mới
có thể quyết định một cách phải chăng cho những thiên hướng của lòng
người. Thế nhưng, kinh nghiệm không phải là lợi thế mà ai cũng có thể có
được, nó tùy thuộc ở những tình huống khác nhau, do số phận đưa đẩy đến
cho mỗi người. Như vậy, chỉ còn có việc nêu lên một ví dụ điển hình, để có
thể qua đó dùng làm quy ước cho khá nhiều người trong việc thực hành đạo
đức. Chính là với loại độc giả đó mà những trước tác như cuốn sách này có
thể rất có ích, ít nhất là khi chúng do một con người trọng danh dự và có
lương tri viết ra. Mỗi một sự kiện kể ra trong sách đó là một độ ánh sáng,
một tri thức bổ sung cho kinh nghiệm; mỗi một biến cố là một mẫu mực mà
người ta có thể theo đó để tự rèn luyện mình; chỉ có điều là cần áp dụng cụ
thể vào tình huống của mỗi người. Toàn bộ tác phẩm là một bài luận văn về
luân lý, nhưng viết gọn lại thành một bài học thực hành thú vị.
Một độc giả nghiêm khắc có thể bực mình khỉ thấy một người vào lứa
tuổi tôi lại cầm bút để viết những chuyện phiêu lưu về số phận và tình yêu,
nhưng nếu những suy nghĩ tôi vừa nêu là vững chắc thì chúng sẽ biện hộ
cho tôi, nếu chúng là sai lạc, tôi xin nhận là mình đã sai lầm.