lung lạc từng bước một; rằng tôi phải đánh giá sự hối hận của nàng qua nỗi
đau khổ của nàng vào cái ngày trước khi chúng tôi chia tay nhau, rằng tuy
sống trong sự thừa mứa của y nhưng nàng không bao giờ thấy hạnh phúc
với y, không phải chỉ vì nàng không tìm thấy ở y những tình cảm tinh tế,
những phong cách thanh tao như của tôi, mà còn là vì ngay giữa những lạc
thú mà y không ngừng đem lại cho nàng, từ trong thâm tâm, nàng vẫn luôn
luôn nhớ đến tình tôi và hối hận vì đã phụ bạc tôi.
Nàng nói với tôi về anh bạn Tibecgiơ và về nỗi thẹn thùng cực độ của
nàng khi anh ấy đến gặp nàng:
“Một nhát kiếm đâm vào tim cũng không làm em xúc động đến thế.
Em quay lưng về phía anh ấy và không thể chịu đựng nổi sự có có mặt của
anh ấy trong chốc lát.”
Nàng còn tiếp tục thuật lại với tôi bằng cách nào nàng đã biết được
việc cư trú của tôi ở Paris, sự thay đổi hoàn cảnh của tôi, những buổi thực
tập của tôi ở Soócbôn. Nàng đảm bảo với tôi rằng trong lúc tôi tranh luận,
nàng xúc động đến mức khó khăn lắm mới kìm được không chỉ nước mắt
mà cả những tiếng kêu rên chỉ chực bùng ra. Cuối cùng, nàng cho biết rằng
nàng là người cuối cùng rời khỏi Soócbôn để che giấu sự xúc động, rằng
chỉ còn đi theo tiếng gọi của trái tim và sự thôi thúc của dục vọng, nàng đã
đi thẳng đến chủng viện với quyết tâm là sẽ chết ở đấy nếu như thấy tôi
không sẵn sàng tha thứ.
Tìm đâu ra một con người dã man đến độ không xúc động trước một
sự ăn năn vừa nồng nàn vừa dịu dàng đến thế? Đối với tôi, trong giờ phút
ấy, tôi cảm thấy có thể vì Manông mà hy sinh tất cả cái tòa giám mục của
thế giới Thiên Chúa giáo. Tôi hỏi nàng tính sẽ thu xếp công việc sắp đến
thế nào? Nàng bảo rằng phải lập tức thoát ra khỏi chủng viện và tìm một
nơi an toàn hơn để bàn định công việc. Tôi vâng theo tất cả những ý muốn
của nàng mà không hỏi lại một lời. Nàng lên xe để đến chờ tôi ở một góc
phố. Một lát sau, tôi thoát ra khỏi chủng viện, không để cho người gác cửa
trông thấy. Tôi leo lên xe với nàng. Chúng tôi đến cửa hàng quần áo cũ. Tôi