Stalin Mao Trạch Đông lầm đường lạc lối. Sai lầm của những tín
đồ vĩ đại này là họ đã lẫn lộn tính hiệu quả của biện pháp với tính
hiện thực của mục tiêu, coi biện pháp là mục tiêu, coi hình thức là
bản chất, mà không biết rằng giành được chính quyền, lật đổ chế
độ tư bản chủ nghĩa không có nghĩa là đã sáng tạo nên năng suất
lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản. Họ giương cao ngọn cờ “chủ
nghĩa xã hội khoa học”, tịch thu công thương nghiệp tư bản chủ
nghĩa, xoá bỏ kinh tế tiểu nông, tự cho rằng đang vận dụng lý luận
mác xít giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, đấu tranh
nhằm xây dựng một chế độ xã hội mới cao hơn, trên thực tế họ
đang cản trở và phá hoại lực lượng sản xuất, xoá bỏ cơ sở kinh tế
để xây dựng xã hội cao hơn. Giai cấp tư sản bị tiêu diệt (tính hữu
hiệu của biện pháp được thực hiện rồi), lực lượng sản xuất tiên tiến
cũng theo đó tiêu vong (tính hiện thực của mục tiêu bị tiêu tan).
Cái chế độ công hữu và kinh tế kế hoạch mang lại cho xã hội là
mãi mãi nghèo nàn lạc hậu, mãi mãi là nền kinh tế tem phiếu. Đó
là con đường chung của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa thế
kỷ 20.
Từ 1945 đến 1991 là 45 năm nhân dân các nước khôi phục và
phát triển. Trừ Mỹ ra, tất cả các nước bất kể xã hội chủ nghĩa hay
tư bản chủ nghĩa, đều đứng lên từ đống đổ nát của chiến tranh. Đây
là 45 năm chạy đua hoà bình giữa hai loại chế độ. Trong 45 năm
ấy, ai hơn, ai kém? Ai đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, ai
cản trở lực lượng này phát triển? Ai đem lại cho dân thường lợi ích
vật chất nhìn thấy rõ, có thể nắm lấy và hưởng thụ, ai dùng những
lời lẽ phét lác và trống rỗng lừa bịp dân chúng? Nhân dân đã rút ra
kết luận, lịch sử cũng đã có kết luận.