lý đỗ đầu, năm 1894 đỗ thứ nhì cử nhân toán.
Ma-ri thấy rõ tiếng Pháp rất cần cho mình nên cô quyết tâm học thật
vững vàng. Nhiều bạn gái Ba Lan khác sau hàng bao năm ở Pa-ri vẫn cứ nói
lơ lớ như hát và có nhiều câu sai văn phạm. Nhưng Ma-ri học cả chính tả và
ngữ pháp cho nhuần nhuyễn và chú ý sửa chữa bằng hết những giọng nói sai
ngữ điệu, chỉ còn chữ “R” hơi uốn lưỡi, nhưng nghe lại rất duyên dáng mềm
mại.
Với vỏn vẹn bốn mươi rúp một tháng, Ma-ri vẫn đủ sống và chịu
thiếu cái cần thiết để thỉnh thoảng đi xem hát, đi chơi vùng ngoại ô và mỗi
lần đều mang về nhà một bó hoa rừng tươi thắm.Tâm hồn cô gái thôn quê
năm xưa vẫn còn đây. Phiêu bạt giữa một thành phố lớn, Ma-ri đón chờ mùa
cỏ cây nở lộc và hễ còn chút thì giờ và tiền túi là tìm đến rừng xanh bóng
mát.
Thư gửi cụ Xkhua-đốp-xki ngày 16 tháng 4 1894:
“Chủ nhật trước, con đã đến một vùng ngoại ô gần ngay Pa-ri, khá
đẹp dễ chịu. Các cây tu chanh và nhài cùng tất cả các cây ăn quả, kể cả táo
đều nở rộ và không gian ngào ngạt hương thơm.
Ở Pa-ri, cây cối bắt đầu xanh tốt kể từ tháng tư. Lúc này lá non đã
nhú, mận đã ra hoa. Nóng như mùa hè vậy. Trong buồng xép của con bắt
đầu bức lắm.
Cũng may là đến tháng bảy, khi chuẩn bị đi thi, con không còn ở đây
nữa vì con chỉ thuê chỗ này đến ngày 8 tháng bảy…”
Tháng bảy, mùa thi cử đã đến. Ai nấy lo lắng, bận rộn. Có những
buổi sáng mệt nhọc, Ma-ri ngồi trong phòng thí nghiệm với 30 thí sinh, thần
kinh căng thẳng đến mức chữ cứ nhảy múa trước mắt, phải mấy phút sau
mới đọc được mảnh giấy có đề toán và câu hỏi lý thuyết sẽ quyết định số
mệnh của cô. Thi xong lại đến những ngày mong đợi đằng đẵng và giờ phút
nghiêm trang nghe đọc kết quả. Thí sinh và cha mẹ, họ hàng đều tụ tập trước
giảng đường lớn. Trong đám đông, Ma-ri bị xô đẩy, chen lấn giữa làn sóng
người ai nấy ngóng trông ban giám khảo bước vào, đọc tên những người đỗ
theo thứ tự tài năng. Trong một phút, cả giảng đường im phăng phắc. Bất
thần cô nghe gọi tên mình đầu tiên: Ma-ri Xkhua-đốp-xka.