bực chẳng nói nên lời, anh đưa Ma-ri về khu Vi-lét, vừa bước vào nhà đã gọi
Brô-ni-a xuống bếp.
Hai mươi phút sau, Ma-ri từ từ nuốt thứ thuốc mà bác sĩ Ca-di-mia kê
đơn cho cô: một miếng thịt bò to rán tái, một đĩa khoai tây rán giòn. Như có
phép lạ, màu hồng lại ứng lên đôi má. Đến mười một giờ khuya, Brô-ni-a
vào tắt đèn ở buồng mà chị mới vừa kê một cái giường cho em gái. Sau vài
ngày được chăm sóc tẩm bổ, Ma-ri lại sức. Nghĩ đến các kỳ thi sắp đến, cô
vội trở về cái gian sát nóc, với lời hứa là sẽ chú ý hơn đến ăn uống. Và hôm
sau, cô lại vẫn cứ “sống bằng không khí”.
*
* *
Làm việc!... Làm việc!... Bị thu hút hoàn toàn vào học tập, say sưa
với tiến bộ của mình, Ma-ri tự thấy có đủ sức tiếp thu tất cả những gì mà
người đời đã khám phá. Cô dự các lớp toán, lý, hóa. Cô làm quen dần với kỹ
thuật thực hành khoa học, rồi đây lại có niềm vui được giáo sư Lip-man giao
cho mấy công trình nghiên cứu tuy ít quan trọng song lại là một dịp để cô tỏ
rõ cái khéo tay và óc sáng kiến của mình. Phòng thí nghiệm vật lý ở Xoóc-
bon, một kiến trúc cao, rộng và độc đáo, có hai cầu thang xoáy trôn ốc đưa
vào một hành lang bên trong, là nơi Ma-ri Xkhua-đốp-xka thả sức tìm tòi,
học hỏi.
Còn gì quyến rũ hơn cái không khí tĩnh mịch giúp cho sự tập trung
suy nghĩ! Cho đến giờ phút cuối cùng của đời mình, Ma-ri vẫn sẽ thích cái
phòng thí nghiệm hơn mọi thứ khác. Lúc nào cô cũng đứng trước cái bàn
bằng gỗ sên, trên đặt một dụng cụ đo lường chính xác, hoặc trước cái lò có
chiếc đèn xì đang đốt cháy một chất gì đó. Dưới cái áo khoác vải thô, khó
mà phân biệt được Ma-ri với đám thanh niên đang mê mải cúi xuống trước
nhiều đèn xì cùng dụng cụ khác. Tất cả đều tôn trọng sự yên tĩnh của nơi
này, không gây một tiếng động, không nói một lời nào thừa.
Một bằng cử nhân chưa đủ! Ma-ri quyết định thi hai môn vật lý và
toán. Tham vọng của cô trước kia mới nhỏ bé làm sao, nay mạnh bạo, lớn
lên nhanh chóng đến nỗi cô không còn thì giờ, nhất là không dám nói với cụ
Xkhua-đốp-xki. Người cha tuyệt diệu đó đang nóng lòng mong đợi Ma-ri trở
về Ba Lan, và có vẻ lo ngại về đứa con gái bấy lâu được ông chăm nom ấp ủ.
Trong bao nhiêu năm trời chỉ biết phục tùng, chịu đựng và hy sinh, giờ đây