ngờ đã đến. Di-din-xka người bạn gái năm ngoái đã lấy cán ô bảo vệ cô, lúc
này lại giúp đỡ Ma-ri thiết thực hơn nữa. Tin tưởng rằng Ma-ri sẽ có một
tương lai rực rỡ, Di-din-xka đã ra sức vận động ở Vác-xô-vi cho Ma-ri được
học bổng A-lếch-xăng-đro-vích, giành cho những sinh viên xuất sắc muốn ra
học nước ngoài.
Sáu trăm rúp! Đủ sống mười lăm tháng! Ma-ri vốn chỉ biết xin cho
người, có lẽ không hề nghĩ đến cầu khẩn khoản trợ cấp ấy cho mình, nhất là
không bao giờ dám làm những việc giao dịch, chạy chọt cần thiết! Sung
sướng, phấn khởi, cô bay bổng đến Pa-ri.
Thư gửi anh Dô-dép ngày 15 tháng 9-1893 (từ Pa-ri):
“Em đã thuê buồng ở tầng sáu tại một phố sạch sẽ, lịch sự. Anh thưa
với cha là nơi em định thuê trước thì không còn chỗ nữa, và em rất ưng cái
buồng hiện nay: Có một cửa sổ đóng được kín, và chữa thêm một tý thì có lẽ
trong nhà không lạnh lắm, nhất là không lát gạch mà là sàn gỗ. So với cái
buồng năm ngoái thì quả là một lâu đài! Mỗi năm 180 quan, nghĩa là rẻ
hơn 60 quan chỗ mà cha nói chuyện với em.
Không nói, chắc anh cũng rõ em thích thú như thế nào khi được trở
lại Pa-ri! Hôm ra đi, em rất đau khổ vì lại phải xa cách cha, nhưng em thấy
cha khỏe mạnh và còn lanh lẹn, không cần đến sự có mặt của em, nhất là
nay anh lại về ở Vác-xô-vi. Còn em, cả cuộc đời em sắp được định đoạt… Vì
vậy, em nghĩ có thể lưu lại một thời gian ở Pa-ri mà không ân hận gì.
Em học toán, học gấp rút, để khi vào năm học mới khỏi bỡ ngỡ. Mỗi
tuần dạy ba buổi sáng cho một bạn học người Pháp đang chuẩn bị thi cái
bằng em vừa đỗ. Anh thưa hộ với cha là em quen việc này rồi, không thấy
vất như ban đầu, và em định cứ tiếp tục.
Em bắt đầu dọn dẹp chỗ ở mới cho năm nay - còn sơ sài lắm, nhưng
biết làm thế nào? Thứ gì cũng tự làm lấy nếu không thì tốn vô kể. Em sẽ sửa
sang lại đồ đạc, nói vậy cho ra vẻ, vì tất cả chỉ đáng hai mươi quan.
Em sẽ biên thư cho anh Bô-gu-xki hỏi thêm về phòng thí nghiệm.
Điều này quyết định công việc sắp tới của em”.
Thư gửi anh Dô-dép ngày 18 tháng 3 năm 1894: