“…Khó mà kể tỉ mỉ cho anh cuộc sống của em vì nó cứ đều đều, đơn
điệu, và xét đến cùng chẳng có gì đáng nói. Song em không hề thấy khổ vì sự
bằng phẳng đó, em chỉ thấy tiếc là ngày tháng sao ngắn ngủi và trôi nhanh
quá!… Chỉ thấy bao việc còn phải làm và nếu không yêu công việc của mình
thì rất có thể nản chí.
Em mong anh trở thành bác sỹ. Cuộc sống chẳng có vẻ dễ dàng đối
với mỗi chúng ta. Nhưng sao phải kiên trì, nhất là phải tin ở mình chứ? Phải
tin rằng ta có khiếu về một mặt nào đó và quyết đạt tới cho bằng được, có
thể là mọi việc sẽ trơn tru ngay khi ta ít ngờ đến nhất.”
Cái học bổng A-léch-xăng-đro-vích đến đúng lúc biết chừng nào!
Ma-ri vốn rất tằn tiện, cô kéo dài số tiền sáu trăm rúp để có thể ở lâu hơn nữa
trong cái thế giới thần tiên của giảng đường và phòng thí nghiệm.
Và năm sau, cũng với tinh thần tằn tiện ấy, khi kiếm được tiền lần
đầu tiên, do một công việc nghiên cứu cho Hội khuyến khích kỹ thuật quốc
gia, Ma-ri đã lấy ra sáu trăm rúp mang đến cho Tổng thư kí của hội A-lếch-
xăng-đro-vích, khiến ông sửng sốt về sự đền đáp có một không hai này trong
lịch sử của Hội.
Ma-ri đã nhận học bổng đó như một món nợ danh dự, một biểu hiện
tin cậy. Tâm hồn thẳng thắn của cô tự thấy không xứng đáng nếu cứ giữ lâu
số tiền giờ đây lại có thể cứu giúp một người con gái nghèo khác.
*
* *
Đọc bài thơ ngắn của mẹ tôi viết bằng tiếng Ba Lan về thời kì ấy, sực
nhớ những mẩu chuyện mẹ thường kể cho nghe, thỉnh thoảng lại điểm một
nụ cười hoặc câu hài hước dí dỏm, nhìn ngắm tấm ảnh mà mẹ thích nhất: ảnh
một nữ sinh có đôi mắt táo bạo, cái cằm cương quyết, tôi cảm thấy mẹ tôi
suốt đời vẫn yêu thích hơn cả những ngày khó khăn và đầy nhiệt tình đó.
Tuổi thanh xuân ấy biết bao gian khổ
Lúa tuổi này người khác chỉ vui chơi
Mình cô, yên tĩnh, thảnh thơi