nhật kí những dòng chữ:
“Hơn nam giới, người phụ nữ yêu cuộc sống để mà sống. Những phụ
nữ có thiên tài rất hiếm, cho nên khi chúng ta bị một tình yêu nào đó thôi
thúc, muốn đi theo con đường không tự nhiên, khi chúng ta để cả tâm trí vào
một sự nghiệp nó khiến chúng ta xa rời xã hội chung quanh thì ta phải đấu
tranh với đàn bà. Người mẹ đòi hỏi trước hết tình yêu của đứa con, dù có thể
vì vậy mà nó bị ngớ ngẩn đi chăng nữa. Cô nhân tình cũng muốn chiếm hoàn
toàn người yêu và cho rằng ở một giờ ái ân và có phải hi sinh cái thiên tài
cao đẹp nhất trên đời thì cũng rất tự nhiên mà thôi. Cuộc chiến đấu hầu như
luôn luôn không bình đẳng, vì ở đây, chính nghĩa thuộc về đàn bà, họ nhân
danh sự sống và tạo hóa để mà ra sức lôi kéo ta”.
Ngày tháng thoi đưa, Pi-e Qui-ri chỉ biết miệt mài nghiên cứu khoa
học, không hề để ý đến một cô gái nào, dù tẻ nhạt hay xinh tươi mà anh có
dịp gặp. Đã 35 tuổi, nhưng anh chưa yêu ai.
Và mỗi lần tình cờ giở lại cuốn nhật kí bỏ dở từ lâu, anh đọc lại
những câu mình viết năm nào, tới nay nét mực đã phai mờ, anh đăm chiêu
dừng lại trước những dòng chữ đầy luyến tiếc và khát vọng:
“Những phụ nữ có thiên tài rất hiếm”
*
* *
“Khi tôi bước vào, Pi-e Qui-ri đang đứng bên cửa sổ. Trông anh rất
trẻ, tuy anh đã 35 tuổi. Tôi ngạc nhiên nhìn cặp mắt trong sáng, vóc người
cao lớn, bên ngoài ít chau chuốt của anh. Lời nói chậm rãi đầy suy nghĩ, vẻ
giản dị, nụ cười nghiêm trang trẻ trung làm tôi tin tưởng. Chúng tôi trò
chuyện với nhau chỉ một chút đã thân mật. Câu chuyện xoay quanh vấn đề
khoa học mà tôi rất sung sướng được hỏi ý kiến anh”.
Buổi gặp gỡ ban đầu với Pi-e được Ma-ri kể lại với lời lẽ giản dị,
ngượng ngùng. Đó là đầu năm 1894.
Một giáo sư vật lý người Ba Lan, ông Kô-van-xki, dạy ở trường đại
học Phơ-ri-bua, đến nước Pháp một thời gian với vợ mà Ma-ri quen biết từ
dạo còn ở Schuc-ki. Đang tuần trăng mật, đôi vợ chồng mới cưới này đi du