Ngồi bên kia ngọn đèn, Pi-e đang cặm cụi thảo giáo trình dạy ở trường Vật
lý và Hóa học. Nhiều lúc,Ma-ri cảm thấy đôi mắt sâu đẹp đẽ của chồng nhìn
mình. Cô ngước lên, gặp cái nhìn của Pi-e một biểu hiện yêu đương và khâm
phục. Một nụ cười trao đổi giữa hai con người đang yêu đó. Đến hai, ba giờ
sáng, vẫn có ánh đèn trên những khung cửa kính và trong cái phòng làm việc
chỉ có hai ghế đó vẫn nghe tiếng trang sách khẽ lật say sưa và tiếng ngòi bút
viết miệt mài trên giấy.
Ma-ri thi thạc sỹ, đỗ đầu. Pi-e sung sướng quàng tay vào cổ người vợ
Ba Lan yêu quí. Vai kề vai, hai anh chị trở về phố Nhà máy nước đá và ngay
lúc ấy, họ bơm xe đạp, soạn ba lô, đi chơi vùng Ô-véc-nhơ.
Sao mà hai vợ chồng này phung phí sức lực như thế, cả về trí tuệ và
thể xác! Ngay đến những ngày nghỉ của họ cũng là một sự tiêu pha năng
lượng thái quá.
Trích một trang sổ tay của Ma-ri về những ngày sống sôi nổi đó:
“Chúng tôi còn giữ một kỉ niệm rạng rỡ về một ngày nắng ráo, sau
một đoạn leo dốc mệt nhọc, chúng tôi rong xe qua cánh đồng cỏ xanh tươi,
mát mẻ của vùng Ô-brac, được hít thở không khí trong lành trên cao nguyên.
Một kỉ niệm sống nữa là một buổi chiều, vào đến thung lũng Tơ-luy-e, được
nghe một điệu dân ca rất mê ly vọng xa từ một con thuyền trôi theo dòng
nước. Vì không thích tính chặng đường, mãi đến tảng sáng hôm sau mới về
nhà. Chả là gặp mấy chiếc xe ngựa, những con vật thấy hai cái xe đạp hốt
hoảng, lồng lên làm chúng tôi phải đi tắt qua mấy thửa ruộng vừa cày ải. Sau
đó lại lên đường cái đạp xe trên cao nguyên ánh trăng huyền ảo”…
Năm thứ hai cuộc sống gia đình chỉ khác năm đầu là về tình hình sức
khỏe. Ma-ri đã có mang, lòng thì mong muốn có con nhưng lại bực bội vì
mệt mỏi, không còn đứng trước các dụng cụ để nghiên cứu “từ tính của các
kim loại”.
Tháng 7 năm 1897, Pi-e và Ma-ri, từ hai năm nay, chưa rời nhau một
bước, lần đầu tiên phải xa nhau. Nhân dịp cụ Xkhua-đốp-xki sang Pháp nghỉ
hè, Ma-ri đã đến ở với bố tại khách sạn “Những phiến đá xám” ở Po-blăng,
còn Pi-e bận không đi được.
Pi-e biên thư cho Ma-ri tháng 7 năm 1987: