- Mẹ thích con ra vườn. Ngoài kia trời đẹp quá.
Cứ nói đến đọc sách thì đôi má Ma-ni-a lại ửng hồng. Năm ngoái,
Brô-ni-a ở thôn quê học chữ cái một mình thấy chán mới rủ bé chơi làm “cô
giáo, học trò”. Trong mấy tuần, hai chị em xếp các chữ bằng bìa cắt, đặt lộn
xộn. Rồi một buổi sáng, trong khi Brô-ni-a ê a đánh vần một bài rất dễ cho
bố mẹ nghe, Ma-ni-a sốt ruột giằng lấy sách đọc một mạch hết câu đầu. Mới
đầu nó thấy thích thú vì mọi người lắng nghe nên cứ kéo dài cái trò say sưa
ấy. Nhưng bỗng nó thấy sợ hãi. Sự kinh ngạc lộ trên mặt ông bà Xkhua-đốp-
xki, còn Brô-ni-a thì nhăn nhó, phụng phịu. Nó bập bẹ vài câu lí nhí rồi bật
tiếng khóc không nén được. Đứa trẻ xuất chúng giờ đây chỉ còn là một em bé
bốn tuổi, đang nức nở, và nhắc đi nhắc lại rất thiểu não:
- Con xin lỗi… con không cố ý, chẳng phải lỗi con… chẳng phải tội
của Brô-ni-a. Tại là dễ quá.
Tâm hồn trẻ thơ của nó chợt hiểu ra rằng có lẽ không bao giờ được
tha tội vì đã tập đọc sớm thế.
Từ buổi sáng đáng ghi nhớ ấy, Ma-ni-a làm quen dần với các mặt
chữ, và nếu không tiến bộ rõ rệt, đó là tại cha mẹ không bao giờ để em cầm
đến quyển sách. Là những nhà sư phạm thận trọng, ông bà Xkhua-đốp-xki
không muốn con học quá sớm; mỗi khi đứa bé giơ tay muốn lấy một trong
những tập tranh có chữ to để quanh trong nhà thì lại được gợi ý: “Con chơi
xếp gỗ nhá! Búp bê của con đâu rồi? Con hát cho mẹ nghe nào!”. Và như
hôm nay: “Mẹ thích con ra vườn hơn”.
- Con đi tìm chị Dô-sa vậy
- Cũng được.
- Dô-sa!
Qua cái sân nhỏ hẹp nơi hằng ngày chúng vẫn chơi “đuổi bắt” và “bịt
mắt bắt dê”, hai chị em cầm tay nhau đi dọc theo trường trung học, đến một
cái vườn lớn, cửa gỗ mọt ọp ẹp. Giữa bốn bức tường, những thảm cỏ lưa
thưa, những cây cao tù hãm thoảng một mùi đất, một hương vị đồng nội.
- Chị Dô-sa ơi! Bao giờ lại đi Dơ-vô-la đây?