Bằng tiến sĩ danh dự, bằng thông tín viên các viện Hàn lâm ở các
nước, để chật các ngăn kéo trong nhà. Ma-ri cũng chẳng nghĩ đến trưng bày
lên, hoặc lập danh sách nữa.
Nước Pháp chỉ có hai cách suy tôn các bậc vĩ nhân của mình hồi còn
sinh thời, là tặng Bắc đẩu bội tinh và đưa vào Viện Hàn lâm. Năm 1910, tặng
Bắc đẩu bội tinh cho bà Qui-ri, nhớ lại thái độ của Pi-e trước kia, Ma-ri
không nhận.
Tiếc rằng sau đó vài tháng, khi các đồng nghiệp quá nhiệt tình, cứ
khuyên bà ứng cử vào Viện Hàn lâm khoa học, bà chẳng biết từ chối như thế
nào. Ma-ri quên rồi hay sao lần bỏ phiếu tủi nhục mà Pi-e trước đây đã phải
chịu? Hay là không biết cái màng lưới ghen tị đang chăng quanh mình?
Đúng thế Ma-ri không biết. Hơn nữa, vốn chất phác, người phụ nữ
Ba Lan đó sợ tỏ ra hiếu kỳ, bạc bẽo, nếu từ chối vinh dự khoa học cao quý
mà theo như bà nghĩ, quê hương thứ hai tặng cho mình.
Ra tranh cử với Ma-ri Qui-ri là Ê-đu-a Brăng-li
[46]
, một nhà vật lý
học lỗi lạc và một người theo đạo Thiên chúa có tên tuổi. Giữa hai phe Qui-
ri và Brăng-li, phe tự do tư tưởng và phe đạo giáo, giữa những người theo và
chồng cái ý nghĩ mới mẻ, kỳ quặc là nhận phụ nữ vào Viện Hàn lâm, cuộc
chiến đấu nổ ra trên khắp các mặt.
Kinh hoảng, bất lực, Ma-ri chứng kiến những cuộc bút chiến mà
mình không lường trước. Những nhà bác học nổi tiếng nhất như Hăng-ri
Poang-ca-rô, bác sĩ Ru, E-min Pi-ca, các giáo sư Líp-man, Bu-ri và Đác-bu
đứng ra vận động cho bà nhưng phe bên kia chống trả rất mạnh.
“Đàn bà không được vào Viện Hàn lâm”. A-ma-ga, cách đây tám
năm đã may mắn thắng phiếu Pi-e Qui-ri, nay lại lên giọng đạo mạo. Có
những kẻ rỗi hơi khăng khăng với phe đạo giáo rằng Ma-ri là người Do Thái,
hoặc quả quyết với phe tự do tư tưởng là bà theo đạo Thiên chúa. Đến ngày
bỏ phiếu 23 tháng giêng 1911 khai mạc buổi họp, chủ tịch gọi bảo các thừa
phái:
– Cho tất cả mọi người vào, trừ đàn bà!
Một cụ Hàn lâm mắt kém, gần như không nhìn thấy gì, đứng về phe
bà Qui-ri, than phiền suýt nữa bầu trái với ý mình vì người ta nhét vào tay cụ
một phiếu giả.