những cơn đau thận mà Ma-ri chịu đựng không một tiếng rên la, giá ở bất cứ
người đàn bà nào khác thì chỉ còn sống một đời tàn phế vô dụng.
Giờ đây, Ma-ri bị những đau đớn về thể xác, và sự tồi tệ của những
kẻ độc địa săn đuổi như một con thú dồn vào bước đường cùng. Brô-ni-a
phải thuê cho em gái ốm yếu một căn nhà gần Pa-ri, đứng tên mình để Ma-ri
đến tĩnh dưỡng ít lâu, rồi lại đến ở Tô-nông, tiếp tục điều trị trong nhiều tuần
lễ buồn tẻ. Hè đến, bà bạn Ay-tơn lại mời Ma-ri và hai con gái đến một biệt
thự tĩnh mịch ở bờ biển nước Anh. Ở đây Ma-ri đã được chăm sóc tận tình
chu đáo.
*
* *
Giữa những ngày buồn nản đó một đề nghị làm Ma-ri vô cùng cảm
động.
Sau cuộc cách mạng 1905, chế độ Sa hoàng bị lung lay tận gốc, đã
phải có một vài nhượng bộ đối với tự do tư tưởng ở Nga. Ở Vác-xô-vi, cuộc
sống cũng bớt khắc nghiệt. Từ năm 1911 đã có một hội khoa học hoạt động
khá tích cực và tương đối độc lập, hội này đã bầu Ma-ri là “hội viên danh
dự”. Mấy tháng sau giới trí thức Ba Lan quyết định xây dựng một Viện thí
nghiệm phóng xạ ở Vác-xô-vi, mời Ma-ri về phụ trách đồng thời đón hẳn về
quê hương mình nhà nữ bác học đầu tiên trên thế giới.
Tháng năm 1912, một phái đoàn gồm các giáo sư Ba Lan đến thăm
Ma-ri. Nhà văn Hen-rích Xi-en-ki-e-vích
[47]
(Henryk Sienkiewicz-NS),
người nổi tiếng và được nhân dân ưa thích nhất ở Ba Lan, đã kêu gọi nhà nữ
bác học với những lời lẽ vừa thống thiết vừa trân trọng:
“Rất mong bà đoái hoài, chuyển hoạt động khoa học rạng rỡ của bà
về Tổ quốc và thủ đô ta. Hẳn bà cũng biết vì đâu trong thời gian vừa qua
nền văn hóa và khoa học của nước Ba Lan chúng ta bị suy đổi. Chúng ta
đang mất lòng tin vào những khả năng trí tuệ của mình. Chúng ta bị kẻ thù
coi khinh và không còn hy vọng gì vào tương lai nữa.
… Cả đất nước khâm phục bà, nhưng cũng mong bà trở về làm việc ở
thành phố quê hương. Đó là lòng tha thiết của cả dân tộc. Nếu có bà ở Vác-
xô-vi, anh em chúng tôi sẽ thấy có thêm sức mạnh, sẽ có thể ngẩng đầu,
trước đây phải cúi đầu dưới gánh nặng của bao gian truân khổ cực”.