nữ Pháp, chiếc “xe điện quang” lưu động đầu tiên ra đời. Đó là một cái ô tô
thường có lắp một thiết bị Rơn-ghen và một máy phát điện chạy bằng động
cơ xe. Ngay từ tháng Tám 1914, cái trạm lưu động ấy đã đi khắp các bệnh
viện khám cho những thương binh được chuyển về Pa-ri trong chiến dịch
quận Mác-nơ.
*
* *
Quân Đức tiến ồ ạt trên đất nước Pháp, Ma-ri phân vân. Về với hai
con gái ở Brơ-ta-nhơ hay ở lại Pa-ri? Và nếu bị chiếm đóng, liệu bà có theo
các cơ quan quân y về hậu phương không?
Ma-ri bình tĩnh cân nhắc và quyết định dù thế nào đi nữa, cũng cứ ở
lại Pa-ri. Không phải chỉ để phục vụ thương binh, bà còn nghĩ đến phòng thí
nghiệm, đến những dụng cụ chính xác đặt ở phố Qui-vi-ê, đến những cơ sở
mới xây dựng ở phố Pi-e Qui-ri.
“Nếu ta ở đây – Ma-ri nghĩ thầm – biết đâu bọn Đức không dám phá
phách máy móc. Nhưng nếu ra đi, mọi thứ đều mất hết!” Tuy nhiên đó vẫn
không phải là động cơ chính. Nó vẫn chỉ nhằm bào chữa cho cái bản năng
xưa vẫn dắt dẫn bà. Con người vốn bướng bỉnh, gan lì đó không ưa gì việc
bỏ chạy. Đối với Ma-ri sợ hãi có nghĩa là phục vụ cho kẻ thù, không thể để
cho quân địch nghênh ngang đắc chí đặt chân vào phòng thí nghiệm Qui-ri
vắng ngắt.
Ma-ri gửi hai con gái đến chỗ bác chúng là Giắc Qui-ri và chuẩn bị
tinh thần cho I-ren và E-vơ sẽ phải xa cách mẹ. Ma-ri viết thư cho I-ren và
E-vơ ngày 28 tháng Tám năm 1914:
“Pa-ri có thể bị bao vây, và do đó, mẹ con ta có thể bị cách biệt. Nếu
việc đó xảy ra, các con hãy dũng cảm chịu đựng, vì những mong muốn cá
nhân không nghĩa lý gì đối với vận mệnh của đất nước. Con phải nhận lấy
trách nhiệm về em con, trông nom em, nếu mẹ con bị xa nhau lâu hơn mẹ dự
đoán”.
29 tháng Tám:
“I-ren yêu, mẹ thấy cần phải nói với con là phải sẵn sàng đối phó với
tình huống… Pa-ri có xa gì biên giới, bọn Đức có thể tiến đến gần được lắm.
Dù sao, chúng ta cũng phải tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của nước
Pháp. Vì vậy con phải dũng cảm tin tưởng, và nhớ đến vai trò chị cả, đã đến