một cái phòng nhiếp ảnh để rửa những kính ảnh chụp được. Chỉ nửa giờ sau
mọi việc đều chuẩn bị xong.
Người ta lần lượt cáng thương binh đến. Một cảnh khá buồn thảm.
Nhà giải phẫu cùng với Ma-ri ở trong buồng tối; với những chiếc máy chạy
giòn, xung quanh có một vầng hào quang huyền bí. Ma-ri hướng máy vào
những vết thương thị bị nát, và điều chỉnh để nhìn cho rõ. Giữa hình ảnh
những xương và các phủ tạng hiện ra một vết đục hơn: đó là viên đạn, là
mảnh đại bác.
Một phụ tá ghi chép những nhận xét của thầy thuốc. Ma-ri tô lại hoặc
chụp ảnh viên đạn hay mảnh đại bác để giúp nhà giải phẫu trong khi mổ. Đôi
khi viên đạn được gắp ra ngay trong lúc chiếu điện và người thầy thuốc có
thể trông thấy trên màn huỳnh quang hình ảnh những kim cặp của mình đang
lần theo vết thương, luồn quanh các xương để tiến tới cặp lấy mảnh đạn.
Mười thương binh, năm mươi rồi một trăm thương binh. Hết giờ này
đến giờ khác. Có khi hết ngày này đến ngày khác. Còn bệnh nhân, thì Ma-ri
còn ở trong buồng tối. Trước khi rời bệnh viện, Ma-ri nghiên cứu cách đặt
một trạm chiếu điện cố định. Thế rồi gói ghém máy móc dụng cụ xong, bà
lại lên ngồi trong chiếc xe mầu nhiệm đó trở về Pa-ri.
Chỉ vài ngày sau Ma-ri đã trở lại trạm. Lùng sục khắp nơi tìm được
một máy điện quang đem đến lắp ở đây, lần này Ma-ri đi cùng với một người
biết điều khiển máy. Tuyển anh ta ở đâu, huấn luyện thế nào, không rõ. Chỉ
biết là từ nay, bệnh viện này đã có phòng điện quang, không cần đến bà nữa.
Ngoài hai mươi cái xe trang bị đầy đủ Ma-ri còn đặt được hai trăm
phòng điện quang. Trên một triệu thương binh được cứu chữa, nhờ có tất cả
hai trăm hai mươi trạm cố định hoặc di động – do Ma-ri Qui-ri tự mình xây
lắp.
Nào chỉ có kiến thức khoa học và lòng dũng cảm, Ma-ri còn rất tài
xoay xở, và đạt tới nghệ thuật về tính tháo vát thời chiến. Thiếu người lái xe
ư? Ma-ri ngồi ngay trước tay lái chiếc xe Rơ-nô và cứ thế đi khắp các con
đường gập ghềnh. Có khi tiết trời lạnh quá, Ma-ri phải cố hết sức quay mãi,
cái máy ngoan cố mới chịu chạy. Người ta còn thấy bà tì cả người lên cái
kích để thay một bánh xe hoặc chau mày lau bộ chế hòa khí bị hết dầu với
những động tác của một nhà bác học. Gặp trường hợp phải chở máy bằng xe
lửa, Ma-ri tự tay bưng máy lên toa chở hàng. Khi đến nơi, cũng chính mình
khuân xuống, tháo dỡ và kiểm lại kỹ càng không để mất thứ gì.
Bất chấp thiếu thốn vất vả, Ma-ri không hề đòi hỏi một cách đối xử