riêng biệt nào, một chế độ ưu tiên nào. Không một phụ nữ danh tiếng nào lại
xuề xòa dễ tính hơn, Ma-ri quên cả ăn trưa, quên cả ăn tối, ngủ đâu cũng
được – trong một phòng nhỏ của nữ y tá, hay có khi ngoài trời dưới một cái
lều vải cắm trại. Người nữ sinh viên xưa kia từng chịu đựng rét mướt trong
một cái gác xép sát mái, ngày nay đương nhiên đã trở thành một chiến sĩ của
cuộc đại chiến thế giới thứ nhất.
Ma-ri viết thư cho Pôn Lăng-giơ-vanh ngày 1 tháng Giêng 1915:
“Ngày tôi lên đường chưa được quyết định, nhưng có lẽ cũng không
chậm nữa. Tôi vừa được một bức thư báo tin các xe chiếu điện của anh cho
mượn để hoạt động trong vùng Xanh Pan đã bị hư hỏng, nghĩa là cả vùng
bắc nước Pháp không có khoa chiếu điện! Tôi đang vận động để được lên
đường sớm hơn. Tôi quyết tâm đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc thứ hai
của tôi, vì hiện nay chưa phục vụ được quê hương ruột thịt còn chìm trong
bể máu sau hơn một thế kỷ đau thương”
*
* *
I-ren và E-vơ sống như con các chiến sĩ ngoài mặt trận. Mẹ chúng chỉ
tự cho nghỉ phép khi bị cơn đau thận phải nằm một chỗ. Nếu Ma-ri ở nhà,
tức là bị ốm. Rằng không thì bà ở Su-íp, ở Rem, ở Ca-lê, ở Pô-pơ-ranh-gơ –
Ở một trong ba bốn trăm bệnh viện Pháp và Bỉ, những nơi mà bà thường
xuyên đến thăm trong suốt thời chiến. Mỗi lần E-vơ gửi thư báo cho mẹ biết
những tiến bộ của mình về sử, về luận Pháp văn, nó phải viết những địa chỉ
nghe rất lạ tai, cảm động:
“Bà Qui-ri, bệnh viện phụ số 11, Moóc-vi-le Sông Ranh Thượng”
Những bưu phiếu, do bà Qui-ri viết vội qua các chặng, mang đến Pa-
ri những tin ngắn, gọn.
20 tháng Giêng 1915:
“Các con yêu quý, mẹ đã đến A-miêng, ngủ tại đây. Chỉ bị nổ hai lốp
thôi. Chào tất cả.
Mẹ”
Cùng ngày:
“Đến A-bơ-vin. Xe bác Giăng Pe-ranh lái húc phải cây. May quá
không việc gì. Lại đi tiếp đến Bu-lô-nhơ”.