tàn, và sau một thế kỷ rưỡi bị đô hộ, khôi phục được độc lập.
Thời thơ ấu tủi nhục, và tuổi trẻ đấu tranh bỗng hiện lại trong tâm trí
Ma-ri. Không phải vô ích mà xưa kia, cô Xkhua-đốp-xka đã phải giấu giếm
mưu mẹo đối với những nhân viên của Sa-hoàng, lén lút tìm đến với các bạn
học ở trường Đại học di động, trong những gian phòng lụp xụp ở Vác-xô-vi,
hoặc dạy cho các em bé ở nông thôn Schuc-ky biết chữ.
Ma-ri viết thư cho anh Dô-dếp tháng Chạp 1920:
“Thế là chúng ta xưa “sinh ra trong cảnh nô lệ, bị gông cùm ngay
khi còn trong nôi”
[51]
, ngày nay chúng ta đã được thấy đất nước đứng dậy
như lòng hằng ước mơ. Chúng ta đều hy vọng được sống những giờ phút
này, những tưởng phải đến đời con, đời cháu có lẽ mới được trông thấy. Thế
mà ngày nay, giờ phút đó đã đến! Đúng là nước ta đã phải trả giá đắt cái
hạnh phúc ấy và sẽ còn phải trả nữa. Song những đám mây còn phủ lên tình
trạng hiện tại làm sao có thể so sánh với nỗi đắng cay và sự thất vọng sẽ vò
xé tâm hồn ta nếu như sau chiến tranh, nước Ba Lan còn bị xiềng xích và
chia cắt? Cũng như anh, em tin tưởng ở tương lai”.
Hy vọng đó, ước mơ đó, không làm khuây khỏa những lo âu riêng tư
của Ma-ri. Chiến tranh đã làm hao mòn sức khỏe của bà. Chiến tranh đã làm
bà phá sản. Tiền gửi chính phủ Pháp đã tan như tuyết dưới nắng. Và khi nhìn
lại tình hình tài chính của mình, Ma-ri không khỏi lo ngại. Hơn năm mươi
tuổi rồi, bà vẫn còn nghèo. Để sống với con cái, chỉ còn trông vào lương
giáo sư: Mười hai nghìn phơ-răng một năm. Liệu sức khỏe có còn cho phép
bà tiếp tục dạy học và đảm đang công việc giám đốc phòng thí nghiệm, cho
đến tuổi về hưu không?
Trong khi vẫn duy trì công việc thời chiến của mình (những học sinh
thực tập về điện quang vẫn còn tiếp tục đến nghe giảng ở viện Ra-đi-om
trong hai năm nữa) Ma-ri lại trở lại với sự ham mê của đời mình là ngành vật
lý. Bà viết một quyển sách về “Điện quang và chiến tranh”, ca ngợi lợi ích
của những phát minh khoa học và giá trị nhân đạo của chúng, và rút từ trong
kinh nghiệm đau đớn vừa qua, thêm nhiều lý lẽ mới để thiết tha yêu quý
khoa học.
“Lịch sử ngành điện quang thời chiến là một thí dụ rất sắc bén về
phạm vi áp dụng rộng rãi không ai ngờ đến được của các phát minh khoa
học thuần túy trong một vài điều kiện nào đó”. Trước chiến tranh tia X chỉ
được sử dụng hạn chế. Cái thảm họa lớn đã xâu xé nhân loại, với một số nạn