con của con chúng ta…”.
Niu-Yoóc, cao vút và nguy nga, hiện ra trong sương mù ban mai của
một ngày nắng ráo. Các nhà báo, nhiếp ảnh và điện ảnh, và rất nhiều công
chúng đứng chờ ở bên để đón nhà nữ bác học. Có kẻ sẽ phải đợi năm, sáu
tiếng đồng hồ mới thấy người mà các báo gọi là “Vị ân nhân của loài
người”. Hàng đoàn hướng đạo gái và học sinh gái, và một phái đoàn ba trăm
phụ nữ vẫy những bông hoa hồng, đỏ và trắng: đỏ là đại biểu nhân dân Ba
Lan tại Mỹ. Cờ Mỹ, cờ Pháp, cờ Ba Lan, màu rực rỡ phấp phới trên hàng
ngàn đôi vai chen chúc và khuôn mặt hồ hởi.
Trên boong hạng nhất tàu Ô-lim-pích, người ta mời gần như lôi kéo
Ma-ri ngồi vào ghế bành to. Bốn mươi ống kính, máy ảnh và quay phim túm
tụm chĩa vào chen chúc, khép mãi vòng vây quanh thân hình bé nhỏ và nét
mặt mệt nhọc, ngỡ ngàng của nhà nữ bác học. Rồi tiếng phóng viên, tiếng
nhà báo cứ rối lên bốn phía.
“Xin bà nhìn phía này cho”
“Xin bà ngẩng đầu lên một tí”
“Xin quay sang phải”
“Xin sang trái”
“Xin nhìn về đây”
......
Những cố gắng gay gắt của Ma-ri để đứng trong bóng tối, ở Pháp,
phần nào đã có kết quả: bà đã làm cho người đương thời, và ngay đến họ
hàng thân thuộc tin rằng một nhà bác học lớn chẳng phải một nhân vật quan
trọng gì. Nhưng vừa đặt chân đến Niu-Yoóc, thì tấm màn bị kéo xuống và sự
thật hiện ra. Lúc này I-ren và E-vơ mới thấy rõ người mẹ bấy lâu sống âm
thầm, khiêm tốn, đối với thế giới là thế nào.
Mỗi bài diễn văn, mỗi dấy động trong lòng công chúng, mỗi cột báo
đều nói lên một lòng mến phục sâu sắc. Các báo Mỹ ca ngợi với những đầu
đề chữ to: “Vẻ đẹp đơn sơ của người khách quý mệt mỏi”, “Một phụ nữ nhút
nhát”, “Một nhà nữ bác học ăn mặc quá xoàng xĩnh”…
Tôi không có ý định đánh giá ở đây tâm hồn của cả một dân tộc. Tôi
sẽ không căn cứ vào những cột báo mà phê phán nước Mỹ – dù sao sự hào