CHƯƠNG XXIV
NẢY NỞ
Đối với Ma-ri Qui-ri, chuyến đi thăm nước Mỹ là một bài học. Nó
chứng minh cho bà thấy rằng: cách sống ẩn dật của bà quả là bất lợi. Một nữ
sinh viên có thể ngồi nhà với mấy quyển sách. Một người nghiên cứu vô
danh có thể tự tách mình ra khỏi cuộc đời, và để hết tâm trí vào công việc
đang làm. Nhưng một bà Qui-ri năm mươi lăm tuổi khác với một sinh viên
hay là một nhà nghiên cứu. Bà có trách nhiệm về một khoa học mới, về một
phương pháp chữa bệnh mới. Uy tín của Ma-ri Qui-ri to lớn, đến nỗi chỉ
bằng cử chỉ hoặc chỉ bằng sự có mặt, bà cũng có thể đem lại thành công cho
một dự án có ích chung nào đó. Từ nay, bà sẽ dành một chỗ trống đời mình
cho những cuộc trao đổi ấy, cho sứ mạng ấy.
Những chuyến đi của Ma-ri Qui-ri đều giống nhau. Đến nhiều thủ đô,
dự những hội nghị khoa học, những cuộc nói chuyện, những buổi lễ trọng
thể của các trường đại học, những cuộc đi thăm các phòng thí nghiệm. Đến
đâu cũng được hoan nghênh, mừng đón. Đến đâu, cũng muốn giúp ích tận
tình. Mà thường phải chống lại sự suy nhược của sức khỏe.
Và mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ chính thức của mình, phần thưởng
quý nhất của Ma-ri là được biết thêm cảnh đẹp thiên nhiên. Ba mươi năm,
cặm cụi trên một công việc khô khan càng làm cho Ma-ri thêm yêu vẻ đẹp
của tạo hóa. Một lần đi trên chiếc tàu nhỏ của Ý qua miền Nam Đại Tây
Dương, bà đã vui thích, hồn nhiên như một đứa trẻ. Bà viết thư cho E-vơ:
“Mẹ đã trông thấy cá bay! Mẹ cũng nghiệm thấy như là mình không
có bóng khi mặt trời chiếu thẳng xuống đầu. Rồi lại thấy những hành tinh
quen thuộc lặn xuống biển: sao Bắc đẩu, Đại hùng tinh. Ở phía nam, có hiện
ra sao ThậpPhương Nam, rất đẹp. Mẹ hầu như không biết gì về những ngôi
sao ở phương trời nầy”.
Bốn tuần lễ ở Ri-ô Đờ Gia-nây-rô, cùng đi với I-ren để nói chuyện về
khoa học là bốn tuần lễ nghỉ ngơi dễ chịu.