Trong cái Viện Ra-đi-om như cái tháp Ba-ben
[53]
sinh ở các nước lần lượt đến học. Bao giờ trong đám họ cũng có một sinh
viên Ba Lan. Mỗi khi không thể cấp học bổng cho một đồng hương vì còn
nhiều thí sinh khác giỏi hơn, bà Qui-ri thường bỏ tiền riêng ra để đảm bảo
cho một sinh viên trẻ từ Vác-xô-vi đến đây học. Và anh ta không bao giờ
biết cái cử chỉ hào phóng ấy.
...Đương mải mê với những câu chuyện của mình, Ma-ri chợt dừng
lại, cúi xuống con gái và hỏi với một giọng khác:
– Thế nào, con gái yêu của mẹ… Kể chuyện cho mẹ nghe nào.
Cho mẹ biết tin tức khắp nơi chứ!
Có thể kể bất cứ chuyện gì, cả những chuyện trẻ con. Nghe E-vơ
thích thú bình luận về tốc độ lái xe của cô trung bình 70 cây số một giờ, Ma-
ri tỏ vẻ chăm chú, hiểu biết. Bản thân bà, lái xe thận trọng, cũng say mê môn
thể thao này, nên thường hồi hộp theo dõi những kỷ lục đạt được với chiếc
xe Pho của mình. Những chuyện về cháu gái Hê-len, một lời con trẻ làm cho
bà cười đến chảy nước mắt, một nụ cười bất ngờ, trẻ trung.
Ma-ri không có nhiều thì giờ để giáo dục con cái, nhưng mỗi ngày I-
ren và E-vơ tiếp thu ở bà một ảnh hưởng vô cùng tốt đẹp, được sống bên
cạnh một con người rất đặc biệt, không những có tài năng, mà còn có tâm
hồn cao đẹp, vốn rất ghét mọi cái tầm thường nhỏ mọn. Bà Qui-ri tránh
không bao giờ mang mình ra làm mẫu mực cho chị em phụ nữ khác. Với
những người quá ngưỡng mộ, Ma-ri thường nói:
“Không nhất thiết cứ phải sống một cuộc đời khác thường như tôi. Sở
dĩ tôi dành được nhiều thì giờ cho khoa học là vì tôi yêu công việc nghiên
cứu. Điều mà tôi mong ước cho chị em chúng ta là một gia đình bình đẳng
và một việc làm mà mình ham thích.”
Vào những bữa cơm tối êm đềm đó, đôi khi Ma-ri và E-vơ cũng nói
đến tình yêu. Người phụ nữ đã từng thiệt thòi đau khổ về tình cảm ấy, tỏ ra
không thích thú gì tình cảm say mê. Có lẽ bà sẽ rất tán thưởng câu nói của
một nhà văn Pháp “tình yêu không phải là một tình cảm chính đáng”.
Ma-ri viết cho E-vơ: