“Mẹ nghĩ rằng chúng ta cần phải tìm sức mạnh tinh thần trong một lý
tưởng cao, nâng những nguyện vọng, ước mơ ta lên mà không tự kiêu tự
mãn. Và mẹ cũng nghĩ rằng nếu đặt tất cả ý nghĩa cuộc đời vào những tình
cảm đầy giông tố bão táp như tình yêu thì thật đáng tiếc.”
Ma-ri biết lắng nghe những lời tâm sự và hoàn toàn biết giữ kín
những điều được thổ lộ đến nỗi hình như bà chưa bao giờ được nghe thấy.
Ma-ri sẵn sàng giúp đỡ ai gặp khó khăn hoạn nạn. Nhưng hễ nói đến tình yêu
thì câu chuyện với Ma-ri không còn là một cuộc trao đổi tâm tình nữa.
Những nhận xét và triết lý của bà về tình yêu đều chỉ là chung chung và chưa
một lần nào Ma-ri nhắc lại dĩ vãng đau thương của mình để rút ra những bài
học hoặc những kỷ niệm. Đối với bà đó là một lĩnh vực thầm kín mà không
ai được bén mảng tới, dù là người thân thiết nhất.
Ma-ri chỉ để cho con gái đoán biết nỗi buồn phải sống xa hai chị và
người anh ruột thân thiết. Cuộc sống xa quê hương và cảnh góa bụa đã làm
cho Ma-ri hai lần bị thiệt thòi về tình cảm gia đình đầm ấm đáng ra sẽ làm
cho cuộc đời bà thêm êm dịu. Bà viết những bức thư rất buồn cho những
người thân giờ đây cũng không còn được gặp luôn như trước, cho Giắc Qui-
ri hiện ở Mông-pê-li-ê, cho Dô-dếp và Hê-la, và cho Brô-ni-a mà cuộc đời
cũng gặp đau thương: mất hai con và đến 1930 thì chồng chết.
Ma-ri viết cho Brô-ni-a, 12 tháng Tư năm 1932:
“Chị Brô-ni-a, em cũng rất buồn vì chị em ta phải sống xa nhau. Chị
tuy cảm thấy cô đơn nhưng vẫn còn được an ủi là có ba anh em cùng ở Vác-
xô-vi, thỉnh thoảng còn đi lại thăm hỏi, đỡ đần nhau được. Đúng thế, tình
thương yêu đùm bọc ruột thịt là rất quý. Em thiếu nó, nên càng thấm thía
điều đó. Chị hãy lấy đó làm an ủi và đừng quên đứa em gái ở Pa-ri. Chúng
ta hãy đi thăm nhau nhiều hơn”.
*
* *
Sau bữa tối, nếu E-vơ cần đi nghe hòa nhạc, bà Qui-ri nằm ngả ra
chiếc đi-văng ngắm con gái sửa soạn. Về trang phục và thẩm mỹ hai mẹ con
khác hẳn nhau. Nhưng từ lâu, Ma-ri không ép con gái phải theo ý kiến của
mình. Trái lại, giờ đây E-vơ thường khăng khăng bắt mẹ phải may áo mới
trước khi áo sờn cổ, rách tay. Vì vậy những cuộc tranh luận của hai mẹ con