Năm này qua năm khác, phương tiện của phòng thí nghiệm giàu
thêm. Người ta thường thấy bà cùng giáo sư Pe-ranh đến các bộ xin thêm trợ
cấp và học bổng. Vì là “bà Qui-ri” nên ai cũng đều lắng nghe. Năm 1930, bà
giành được một ngân sách đặc biệt là năm trăm nghìn quan cho việc nghiên
cứu.
Cũng có lúc mệt nhọc và hơi bực vì cứ phải chạy chọt, bà kể lại cho
E-vơ những buổi chầu chực ở phòng đợi, những nỗi lo âu bực bội và nói đùa:
– Không biết chừng đến lúc họ đuổi mình ra khỏi cửa như những
kẻ ăn mày.
Được một tay lái vững vàng như vậy, phòng thí nghiệm Qui-ri dần
dần đi vào khám phá tất cả các lĩnh vực của khoa phóng xạ còn bí ẩn.
Từ 1919 đến 1934, những nhà hóa học và vật lý ở Viện Ra-đi-om cho
đăng bốn trăm tám mươi ba báo cáo khoa học, gồm ba mươi luận án. Trong
số bốn trăm tám mươi ba thông báo đó, ba mươi mốt bài là của bà Qui-ri.
Con số dù cao vẫn được chú thích thêm – về cuối đời mình, bà Qui-ri
chuẩn bị cho tương lai với một tinh thần hy sinh cao cả, và dành phần lớn
thời giờ vào nhiệm vụ lãnh đạo và giảng dạy. Nếu bà cũng có thể để mỗi
phút của mình vào công việc nghiên cứu của mình như những anh em trẻ
cùng làm việc, thử hỏi sự nghiệp sáng tạo của bà còn tiến triển đến đâu? Và
ai có thể nói được phần đóng góp của Ma-ri vào bao công trình nghiên cứu
mà bà đã gợi ý, dìu dắt từng bước?
Ma-ri không hề đặt cho mình hai câu hỏi đó. Bà lấy làm mừng về
những thắng lợi đạt được do tập thể những nhà bác học mà bà gọi với một
giọng tự hào kín đáo là “Phòng thí nghiệm”.
Những khiếu về tâm lý và lòng nhân đạo đã giúp nhà nữ bác học vốn
cô độc, trở thành một người có tài cổ vũ. Bình thường rất ít thân mật, bà Qui-
ri đã giành được lòng quý mến tận tụy của người cùng làm việc mà sau bao
nhiêu năm cộng tác hằng ngày, bà vẫn trân trọng gọi là “cô” hay “ông”.
Nếu Ma-ri mải bàn về một vấn đề khoa học mà ngồi ngoài trời quá
lâu trên cái ghế dài ngoài vườn thì lập tức giọng lo âu của một chị phụ tá
nhắc nhở: